01/06/2020 03:35 |
Một người đàn ông hút thuốc lá tại nơi công cộng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, PGS Phan Thu Phương nói: Thuốc lá đang là "kẻ giết người thầm lặng".
Sự tác động của khói thuốc lá khiến những người hút thuốc lá suy giảm chức năng hô hấp, tình trạng này diễn ra nhanh hơn 2-3 lần so với những người không hút thuốc. Các chất gây viêm trong khói thuốc lá còn ức chế các tế bào niêm mạc đường hô hấp, dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp cấp, mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay ung thư phổi.
* Tác hại của thuốc lá với phổi và sức khỏe của người hút thuốc có tương tự như người hít khói thuốc thụ động không, thưa bà?
- Trong khói thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất hóa học khác nhau, trong đó có 69 chất gây ung thư, nhiều chất gây nghiện, chất độc cho tế bào và gây đột biến gen (tác nhân gây bệnh ung thư).
Hút thuốc thụ động (hay còn gọi là hít khói thuốc thụ động, tức hít phải khói thuốc từ những người hút thuốc mà không trực tiếp hút thuốc lá), khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy trong cơ thể có thể trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên hơn 25 loại bệnh tật trên cơ thể, không chỉ là ảnh hưởng đến hô hấp hay tim mạch.
Thuốc lá gây nhiều bệnh lý từ đầu đến chân người hút thuốc lá chủ động hay thụ động, các bệnh dễ gặp ở nhóm này là rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như ung thư mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy.
Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc tại nơi làm việc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ em trong độ tuổi đi học là con của những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn, hoặc bệnh hen suyễn của họ trở nên trầm trọng hơn. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ tiến triển từ nhiễm lao tiềm ẩn sang bệnh lao hoạt động.
Thuốc lá giết chết 8 triệu người mỗi năm, trong đó có 1 triệu nạn nhân vô tội do hút thuốc thụ động. Hút thuốc thụ động là mối đe dọa sức khỏe phổi đối với mọi người - không chỉ người hút thuốc.
* Chất nicotin gây nghiện nhưng vẫn có thể cai được thuốc lá?
- Nói về lợi ích của cai thuốc lá thì đã rất rõ ràng nhưng việc cai thuốc lá lại không dễ dàng chút nào. Cai thuốc lá không đơn giản chỉ là việc từ bỏ một thói quen. Nicotin là một chất gây nghiện trong thuốc lá, nó tác động lên não theo cách tương tự như heroin và cocain, tạo ra ảo giác sảng khoái sau khi sử dụng.
Trong xếp loại mức độ gây nghiện của các thuốc gây hưng phấn thần kinh, nicotin là chất gây nghiện hơn cả heroin, cocain, rượu, cà phê và cần sa. Vì lẽ đó, rất nhiều người muốn bỏ thuốc lá và đã bỏ được thuốc lá dễ dàng trong lần cố gắng đầu tiên nhưng thời gian ngắn sau đó tái nghiện. Cai thuốc lá thật sự đòi hỏi quyết tâm, duy trì quyết tâm cao độ.
Các triệu chứng sau cai không giống nhau ở từng người nhưng đều rất khó chịu và khó dung nạp. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, căng thẳng, bứt rứt, dễ kích động, dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, thèm ăn, ho đờm...
Thông thường các triệu chứng này có thể kéo dài từ 2-4 tuần khi ngừng hút thuốc. Một số người nếu không trang bị kiến thức đầy đủ về việc cai thuốc lá có thể sẽ lo lắng, bất an, những tâm lý này cũng sẽ khiến người cai hút lại thuốc.
* Nhưng qua tuyên truyền, nhiều người cũng hiểu được tác hại và xu hướng cai thuốc lá, không hút thuốc ngày càng phổ biến?
- Cai thuốc lá không những khó khăn do lệ thuộc nicotin, người ta nhận thấy người nghiện thuốc lá còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý xã hội khác, vì vậy làm cho việc bỏ thuốc lá càng khó khăn hơn. Nghiện thuốc lá được xem là một tính cách xã hội phức tạp, là sự kết hợp giữa các thói quen, suy nghĩ, tình cảm, các hoạt động và công việc hằng ngày, do đó thật khó mà cắt đứt một thói quen hay một nếp suy nghĩ lâu đời.
Tại Việt Nam, hiện nay các chương trình truyền thông về tác hại của thuốc lá đến người dân được đa dạng hóa, phát triển sâu rộng cả về nội dung và hình thức tiếp cận giúp người dân ý thức được tác hại của thuốc lá đến mình và những người xung quanh, tăng cao nhu cầu cai thuốc.
Thêm vào đó, các chương trình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cũng đang được quan tâm sâu sắc, với các tổng đài tư vấn cai thuốc lá, các phòng tư vấn cai thuốc lá trực tiếp cũng đã góp phần không nhỏ cho công cuộc "Hướng tới một Việt Nam không khói thuốc".
Các quan chức y tế nhà nước thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đang khẩn trương điều tra mối liên hệ giữa vaping (một dạng thuốc lá điện tử dùng hơi nước) và bệnh phổi. Ít nhất 15 tiểu bang đã xác định được hơn 120 trường hợp mắc bệnh phổi nghiêm trọng nghi ngờ có thể liên quan đến vaping, theo kết quả khảo sát của CNN và CDC. Một số nghiên cứu quan sát gần đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa dùng vaping và nguy cơ đau tim, đột quỵ và bệnh động mạch vành. (DS. Lê Kim Phụng)
Nguyên nhân chính gây các bệnh về phổi
Tổ chức Y tế thế giới cho biết trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc lá còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Hút thuốc lá là tác nhân hàng đầu gây ung thư phổi.
Theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, thuốc lá được xếp vào nhóm I (nhóm nguyên nhân chắc chắn gây ung thư trên người trong bảng phân loại các yếu tố gây ung thư). Thuốc lá được chứng minh là nguyên nhân gây ra 1/3 tổng số các ca ung thư (trong đó chủ yếu là ung thư phổi).
Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp trên 20 lần so với người không hút thuốc. Ở nước ta, tỉ lệ bệnh nhân mắc ung thư phổi do hút thuốc là 96,8%. Chiếm 73% số ca tử vong do các căn bệnh không lây nhiễm.
Co giật sau khi dùng thuốc lá dạng dung dịch
Một người hút thuốc lá điện tử (ảnh minh họa) - Ảnh: Thanh Đạm
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện này mới đây đã điều trị cho một nam thanh niên có biểu hiện co giật sau khi sử dụng thuốc lá dạng dung dịch. Theo các bác sĩ, xét nghiệm sau đó cho thấy bệnh nhân ngộ độc ma túy tổng hợp có trong dung dịch thuốc lá người này đã hút trước đó.
Ngoài các chất độc hại trong thuốc lá, người hút thuốc dễ bị các tác nhân gây bệnh trong môi trường xâm nhập, gây bệnh ở phổi hơn. Ngày thế giới không khói thuốc 31-5 năm nay đã được Tổ chức Y tế thế giới lấy chủ đề "Bảo vệ giới trẻ khỏi việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá", nhằm kêu gọi thế hệ trẻ không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện như nicotin, đồng thời kêu gọi các quốc gia có hành động kịp thời để bảo vệ giới trẻ khỏi các quảng cáo nhầm lẫn, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.
Lan Anh thực hiện
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56