Trang Chủ Tin tức Việt Nam công bố hết dịch COVID-19 được không?

Việt Nam công bố hết dịch COVID-19 được không?

16/06/2020 02:25 | COVID-19

Ngày 15-6 là tròn 60 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, tại 7 bệnh viện chỉ còn 6 bệnh nhân dương tính, 97% bệnh nhân đã bình phục.

Việt Nam công bố hết dịch COVID-19 được không? - Ảnh 1.

Những bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương mới được công bố khỏi bệnh - Ảnh: BVCC

Thế nhưng chiếu theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, lại chưa thể công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam do từ 22-4 đến nay vẫn có tới 66 bệnh nhân COVID-19 từ nước ngoài xâm nhập.

Công bố hết dịch nội địa?

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 15-6 về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra đề nghị trên, căn cứ vào 3 tiêu chí: tỉ lệ nhiễm/1 triệu dân là 3,4 người, tỉ lệ người đang điều trị chỉ trên 0,1 người/1 triệu dân, Việt Nam cũng là nước hiếm hoi không có ca tử vong do COVID-19.

Các chỉ số kể trên đều rất đáng khích lệ, Việt Nam cũng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia coi là "hình mẫu" trong chống dịch do hiệu quả vượt trội này. Trong khi đó, Việt Nam đã công bố dịch từ 1-4 và đến nay vẫn chưa công bố hết dịch, dù thực tế không có ca lây nhiễm trong cộng đồng từ 16-4 tới nay.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thể công bố hết dịch do Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành quy định 28 ngày kể từ khi bệnh nhân gần nhất được cách ly, không phân biệt bệnh nhân này lây nhiễm từ cộng đồng hay xâm nhập từ nước ngoài. 

Do đó, dù 66 bệnh nhân ghi nhận từ 22-4 đến nay đều được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng Việt Nam vẫn không đủ điều kiện công bố hết dịch theo luật.

Trả lời Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên từng cho biết chưa thể tính đến thời điểm công bố hết dịch, do số ca mắc rải rác từ các chuyến bay bảo hộ công dân vẫn còn. 

Tại phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cách đây khoảng một tháng, Chính phủ từng giao Bộ Y tế tính toán thời điểm công bố hết dịch, nhưng cuối cùng không thực hiện được do không tương thích với quy định trong luật.

Khi nào mở cửa bầu trời?

Cách đây 3 ngày, báo chí bắt đầu thông tin về 2 hãng bay đã có kế hoạch bay quốc tế trở lại, dự kiến từ tháng 7 tới. 

Tuy nhiên do tình hình dịch có dấu hiệu nóng trở lại tại các quốc gia được cho là làm tốt trong vụ dịch này như Trung Quốc, Hàn Quốc, vì thế trong nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ cách đây vài ngày, thời điểm được phép bay quốc tế trở lại vẫn chưa được bàn đến, mà trọng tâm hiện nay vẫn là tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và thúc đẩy du lịch nội địa.

Ông Vũ Mạnh Cường - vụ phó Vụ Truyền thông, thi đua, khen thưởng Bộ Y tế - cũng cảnh báo riêng ngày 13-6 Trung Quốc có 57 ca mắc COVID-19 mới, trong đó Bắc Kinh có 36 ca lây nhiễm từ cộng đồng, Hàn Quốc 34 ca, Singapore hơn 400 ca... "Vẫn chưa thể yên tâm" - ông Cường nói.

Làm sao để giữ được các thành quả chống dịch 6 tháng vừa qua, rất cần sự nỗ lực của mọi người trong thời gian kế tiếp dù đây đã là thời gian có thể coi là cuối của vụ dịch ở Việt Nam. Và việc này phụ thuộc cả vào chuyện tính toán đúng khi nào mở cửa trở lại với quốc tế: tháng 7, tháng 8 hay tháng 9, khi nào an toàn?

Một số nước muốn tái mở cửa biên giới với Việt Nam

Việt Nam đã ứng phó tốt với đại dịch COVID-19 cả về y tế lẫn kinh tế và nhận được nhiều lời khen ngợi từ nhiều nước trên thế giới. Nhờ đó, một số nước đang tính mở cửa biên giới với Việt Nam và nối lại các chuyến bay quốc tế.

Theo Kyodo News, Nhật Bản đang đàm phán với Việt Nam để cùng nhau mở cửa lại biên giới vì Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt và có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với nước Nhật.

Ngoài ra, Nhật cũng tính mở cửa với các nước Thái Lan, Úc và New Zealand. Nhưng xứ sở hoa anh đào vẫn đang xem xét các biện pháp an toàn cho du khách, bao gồm xét nghiệm COVID-19 và thông báo lịch trình di chuyển.

Ở chiều ngược lại, du khách rời khỏi nước Nhật cũng phải có xét nghiệm âm tính với virus corona và gửi bản xét nghiệm này cho quốc gia mà họ muốn đến. Nikkei Asian Review cho biết động thái khởi đầu sẽ là một chuyến bay thuê bao cho khoảng 250 doanh nhân Nhật Bản tới Việt Nam.

Hàn Quốc cũng là nước tính chuyện nối lại các chuyến bay quốc tế với Việt Nam và một số nước khác sau khi dịch có dấu hiệu lắng xuống.

Các hãng hàng không đang thận trọng, bắt đầu bằng việc khôi phục khoảng 13 tuyến quốc tế. Hãng Asiana Airlines tăng số lượng chuyến bay đến các thành phố Đông Nam Á như Hà Nội và TP.HCM từ 3 chuyến/tuần lên 7 chuyến/tuần.

Các hãng hàng không Hàn Quốc đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn, bao gồm quy trình tự cách ly ngắn hơn và miễn cách ly cho những người thử nghiệm âm tính.

Bên cạnh đó, Philippines ngày 31-5 cũng thông báo sẽ nối lại các chuyến bay quốc tế tới một số nước (chủ yếu ở châu Á), trong đó có Việt Nam.

Minh Khôi - Lan Anh