Trang Chủ Tin tức Vài điều cần biết về bệnh viêm gan B

Vài điều cần biết về bệnh viêm gan B

21/06/2018 09:58 | bệnh gan

Theo kết quả khảo sát của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2017, ước tính nước ta có hơn 7,8 triệu người mắc bệnh viêm gan vi rút B và gần 1 triệu người mắc viêm gan C mãn tính.

Dự báo tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do viêm gan B ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là bệnh gan thông thường nhất trên thế giới có thể gây xơ gan và ung thư gan sau này. Bệnh do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Đa số người lớn bị nhiễm đều có thể thải trừ được HBV dễ dàng; tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ em bị nhiễm đều không thể thải trừ được HBV và sẽ chuyển sang nhiễm HBV mạn tính.

Tại sao viêm gan B lại nguy hiểm?

Viêm gan B nguy hiểm vì đây là một "căn bệnh thầm lặng" có thể nhiễm mà không biết. Đa số những người bị nhiễm viêm gan B đều không biết mình bị nhiễm và có thể vô tình lây sang người khác qua máu của họ. Đối với những người bị nhiễm HBV mạn tính (vi rút có thế tồn tại trong gan lâu hơn 6 tháng), thì nguy cơ bị bệnh xơ gan hoặc ung thư gan sẽ cao hơn. 80% trường hợp ung thư gan trên thế giới là do HBV mạn tính gây ra.

Đường lây truyền của viêm gan B

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do vi rút HBV lây truyền qua máu gây ra. Bệnh không lây truyền qua tiếp xúc thông thường, không thể bị nhiễm viêm gan B trong không khí, ôm nhau, đụng chạm, nhảy mũi, ho, dùng chung bồn cầu.

Dưới đây là những cách thông thường nhất để viêm gan B lây sang người khác:

- Tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch cơ thể của người bị nhiễm HBV.

- Quan hệ tình dục với bạn tình bị nhiễm HBV mà không sử dụng biện pháp bảo vệ.

- Dùng chung hoặc dùng lại kim tiêm (ví dụ dùng chung kim tiêm ma túy hoặc dùng lại kim không được khử trùng đúng cách để châm cứu, xăm mình, hoặc xuyên tai/thân thể).

- Từ người mẹ bị nhiễm HBV lây sang cho con khi sinh.

Ai dễ bị nhiễm viêm gan B nhất?

Mọi người đều có thể bị nhiễm viêm gan B, tuy nhiên một số người có nguy cơ cao hơn đó là:

- Trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B.

- Những người sống trong nhà gần gũi với người bị viêm gan B (kể cả trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn).

- Những người hoạt động tình dục không bảo vệ hoặc có nhiều bạn tình.

- Nhân viên y tế và những người khác tiếp xúc với máu hoặc chất dịch từ người bị nhiễm.

- Những người sử dụng ma túy.

- Những người đang lọc thận hoặc bị chứng dễ chảy máu.

- Những người sống tại các quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao (châu Á, Đông Nam Á, Ấn Độ, một số nơi ở Châu Phi và Nam Mỹ Đông Âu, Trung Đông)...

Làm gì để bảo vệ mình khỏi viêm gan B?

- Tránh dùng chung các vật dụng sắc bén như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bông tai và kềm bấm móng tay.

- Nhớ khử trùng kim khi châm cứu, xăm mình, xuyên tai hoặc thân thể.

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch của cơ thể người bị nhiễm.

- Đeo bao tay và dùng dung dịch thuốc tẩy pha nước để chùi rửa chỗ bị dính máu.

- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sau khi có tiếp xúc với máu.

- Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.

- Không sử dụng ma túy.

- Điều quan trọng nhất, mọi người nhớ tiêm phòng viêm gan B, kể cả trẻ sơ sinh để phòng ngừa mẹ truyền bệnh cho con.

Khả năng bình phục sau khi bị nhiễm viêm gan B?

- Người lớn: 90% sẽ thải trừ được HBV và bình phục dễ dàng; 10% sẽ mang HBV mạn tính và trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể bị xơ gan hoặc ung thư gan sau khi bị nhiễm viêm gan B.

- Trẻ em: 40% sẽ thải trừ được HBV và bình phục dễ dàng; 60% sẽ mang HBV mạn tính.

- Trẻ sơ sinh: 90% chắc chắn sẽ trở thành HBV mạn tính; chỉ có 10% có thể thải trừ được HBV.

Điều trị viêm gan B?

Hiện nay có nhiều loại thuốc được dùng để điều trị viêm gan B mạn tính. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào bị viêm gan B mạn tính cũng cần phải điều trị. Một số bệnh nhân chỉ cần được bác sĩ theo dõi đều đặn ít nhất mỗi năm một lần, hoặc thường xuyên hơn. Điều quan trọng là tất cả những người bị viêm gan B mạn tính phải đến bác sĩ khám đều đặn, dù có điều trị hay không.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng