Trang Chủ Tin tức Uống nhiều loại rượu bia cùng lúc, coi chừng!

Uống nhiều loại rượu bia cùng lúc, coi chừng!

06/01/2020 02:48 | cảnh báo dinh dưỡng

Dịp tết chúng ta uống nhiều rượu bia hơn, di chuyển cũng nhiều hơn. Nhiều người uống lẫn lộn các loại rượu tây, rượu ta, rượu ngâm, bia và đã xảy ra nhiều ca ngộ độc rượu.

Uống nhiều loại rượu bia cùng thời điểm dễ bị ảnh hưởng sức khỏe - Ảnh: Quang Định

Làm cách nào để hóa giải nhanh nồng độ cồn trong cơ thể một cách an toàn?

"Người Việt chúng ta rất hiếu khách, ai đến nhà cũng mang ra những chai rượu quý và ngon nhất để mời khách trong ngày tết nhưng không biết được rượu nhà mình có phù hợp với khách hay không. Theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là người uống phải tiết chế, biết được rượu đó bổ gì, có phù hợp với thể trạng mình hay không, có tương tác hay đối chọi gì với rượu thuốc mà khách đã uống trước đó ở nơi khác hay không" - TS Ngọc Lan.

Uống lộn xộn dễ xảy ra tương tác, đối chọi

Bà Trương Thị Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - cho rằng so với ngày thường, lượng rượu bia trong ngày tết sẽ được tiêu thụ nhiều hơn trong một lần và nhiều lần hơn trong một ngày. 

Việc sử dụng rượu bia quá mức trong dịp tết làm tăng nguy cơ có hại cho sức khỏe, đặc biệt lá gan sẽ bị làm việc quá tải, từ đó những độc tố không được thanh lọc khiến cơ thể dễ bị ảnh hưởng sức khỏe.

Riêng các loại rượu thuốc bổ rất mạnh (thường sử dụng rượu 40 độ), công dụng chính là bổ nên chỉ cần uống 10-15ml/lần thì mới đạt tác dụng. Nếu uống nhiều thì người dễ bốc hỏa, bứt rứt, khó ngủ, chảy máu cam...

Trong những trường hợp uống nhiều loại rượu khác nhau, đặc biệt là rượu thuốc, rất dễ xảy ra tương tác, đối chọi vì mỗi loại có thành phần, liều lượng khác nhau và cực kỳ nguy hiểm nếu ngộ độc rượu xảy ra.

Bên cạnh việc quá chén, việc ăn uống không đúng giờ giấc, không cân bằng thành phần dinh dưỡng (ăn nhiều chất đạm, béo, đồ ngọt nhưng lại ít chất xơ...) sẽ làm cho hệ thống dạ dày và gan làm việc lệch nên dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, nặng nề...

Giải rượu bằng cách nào?

Hiện nhiều người dân thắc mắc là uống rượu bia bao nhiêu là vừa đủ, bao lâu mới được lái xe? Các bác sĩ cho biết không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì mới hết nồng độ cồn trong cơ thể vì quá trình này phụ thuộc vào lượng rượu, đặc điểm sinh học, thể trạng mỗi người. Vì thế tốt nhất, đã uống rượu bia thì không lái xe.

Làm sao để giảm mức độ say rượu và giải rượu hiệu quả khi lỡ quá chén trong những ngày tết? TS Ngọc Lan cho hay hiện nay chưa có một loại thuốc giải rượu nào được công nhận giúp chống say rượu hay giải rượu nhanh trên thị trường. "Bất kỳ thứ gì liên quan đến sức khỏe mà bán trên mạng xã hội thì người dân hết sức cảnh giác" - TS Ngọc Lan nhấn mạnh.

TS Ngọc Lan khuyến cáo người dân nên biết tiết chế khi uống. Không uống rượu bia khi đói, nên uống trước bột sắn dây hoặc sữa để bảo vệ niêm mạc dạ dày, hạn chế hấp thu rượu bia. Trong trường hợp sau khi say rượu thì nên uống trà xanh, nước đậu xanh, atisô, nhân trần... nhằm cung cấp lượng nước lớn cho cơ thể, giúp quá trình đào thải rượu nhanh chóng. 

Cần chú ý, dù bất kỳ "mẹo" giải rượu nào thì cũng chỉ giúp chúng ta hồi phục sau khi quá chén chứ không hoàn toàn tránh hết được những tác hại mà rượu bia gây ra.

Xuân Mai