Trang Chủ Tin tức Trời mù mịt, do đâu chẳng biết!

Trời mù mịt, do đâu chẳng biết!

24/09/2019 03:23 | cảnh báo

Liên tục những ngày qua, người dân sống trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội lo lắng trước tình trạng 'trời mù' dày đặc.

Những ngày qua, trời TP.HCM mù mịt, người dân muốn biết nguyên nhân, có ảnh hưởng đến sức khỏe không nhưng Sở Tài nguyên - môi trường chưa đưa ra thông tin chính thức. - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ quan chức năng TP.HCM vẫn chưa có thông tin chính thức về việc bầu trời mù mịt do ô nhiễm, mức độ thế nào, hay chỉ là do thời tiết.

Vụ việc càng phức tạp, tăng thêm lo lắng nơi người dân khi có thông tin trời mù mịt có một phần nguyên nhân do khói từ cháy rừng ở Indonesia bay sang và những thông tin về bụi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Sở TN-MT TP.HCM: đang tổng hợp!

Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng - giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam những ngày qua ở mức rất cao, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Có 3 nguyên nhân của tình trạng này, trong đó có việc khói bụi từ vụ cháy rừng ở Indonesia bay sang, đây là nguyên nhân chính.

Hai nguyên nhân còn lại do độ ẩm trong không khí cao tạo sương mù chứa các chất ô nhiễm và hoạt động giao thông, công nghiệp, sinh hoạt của người dân phát thải ra.

Chất lượng không khí cho biết tình trạng ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người) và mức độ tiếp xúc bụi PM2.5 (chất dạng hạt có đường kính < 2,5 micromet) - được đo từ phần mềm Air Visual (Mỹ) - tại TP.HCM trong những ngày vừa qua đều “không lành mạnh”, gây hại cho sức khỏe, đặc biệt ở nhóm nhạy cảm.

Thực hư thế nào? Trước câu chuyện người dân quan tâm mức độ ô nhiễm không khí tại TP.HCM có hay không liên quan đến tình trạng cháy rừng ở Indonesia, Tuổi Trẻ liên hệ với một lãnh đạo Sở TN-MT để tìm câu trả lời, nhưng vị này cho biết “đang tổng hợp thông tin, chưa đủ cơ sở để trả lời”.

Nguồn: Sở TN-MT Hà Nội khuyến cáo - Đồ họa: N.KH.

Trong khi đó, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Bằng cho biết kết quả trên là dựa vào khảo sát, đánh giá của cá nhân ông chứ không phải đại diện cho ĐH Quốc gia, cũng không thay mặt cơ quan quản lý nhà nước công bố thông tin này.

Hiện nay, việc quan trắc chất lượng không khí, nước do Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường (thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT TP.HCM) thực hiện.

Trong vài năm trở lại đây, các thông tin về môi trường tại một số khu vực trên địa bàn thành phố cũng được công khai cho người dân biết thông qua các bảng quang báo giao thông lắp đặt tại một số tuyến đường chính.

Tuy nhiên, các thông tin về môi trường gần như chưa được cập nhật tức thời, mà đa số là kết quả quan trắc của tháng trước.

Một số bảng quang báo tìm hiểu thông tin chỉ số ô nhiễm môi trường (trong ngày 19 đến 22-9) nhưng các thông tin đều cũ. Như tại bảng quang báo trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận) hiện lên thông tin chất lượng không khí tại khu cư xá Đô Thành tháng 8-2019. Trong đó các chỉ số như CO, bụi, NO2, tiếng ồn điều hiển thị màu xanh (tức đạt tiêu chuẩn theo quy định - PV).

Các bảng quang báo trên đường phố có thông tin về chỉ số ô nhiễm môi trường lại là của tháng... 8-2019 - Ảnh:DUYÊN PHAN

Hà Nội tăng cảnh báo đến người dân

Tại Hà Nội, liên tiếp nhiều ngày qua, chỉ số chất lượng không khí qua quan trắc trên địa bàn từ nhiều điểm đo đều cho chỉ số ở ngưỡng chất lượng không khí kém - nhóm nhạy cảm, cần hạn chế thời gian ở ngoài.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN-MT Hà Nội thừa nhận qua dữ liệu quan trắc được cho thấy chất lượng không khí những ngày gần đây trên toàn thành phố chủ yếu duy trì ở ngưỡng "kém", được thể hiện bằng màu da cam.

Chi cục cũng thừa nhận thực tế có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí ở Hà Nội, đó là tình trạng phát thải cục bộ từ hoạt động giao thông đô thị, bụi bẩn từ hoạt động xây dựng và các chất ô nhiễm được vận chuyển từ nơi khác đến.

Theo lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội, mặc dù đã có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, song Hà Nội cũng xác định cần ưu tiên giải pháp cảnh báo sớm tới người dân.

Hiện tại TP đã đầu tư 10 trạm quan trắc môi trường tự động, sau đó công khai kết quả quan trắc trên cổng thông tin điện tử của TP có địa chỉ hanoi.gov.vn để người dân xem trực tiếp chỉ số chất lượng không khí hằng ngày.

Ngoài ra, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng nhận định khi tình trạng bụi mịn chưa được giải quyết, rất cần cảnh báo kịp thời tới người dân về chất lượng không khí từng ngày để người dân chủ động phòng tránh những điểm có chất lượng không khí ô nhiễm cao, chủ động bảo vệ sức khỏe.

Một lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội cũng cho biết HĐND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn TP, với lộ trình đến hết năm 2020 đầu tư thêm 33 trạm quan trắc không khí.

Tổng cục Môi trường: cần tăng số lượng trạm quan trắc tự động

Một lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho rằng các địa phương như Hà Nội, TP.HCM cần triển khai ngay các giải pháp về đầu tư trạm quan trắc, bảo đảm duy trì vận hành liên tục, cập nhật và công bố thường xuyên thông tin chất lượng không khí trong thành phố; xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý, lập và tổ chức thực hiện phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường không khí khu vực bị ô nhiễm.

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng cho rằng mỗi địa phương cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm không khí, xử lý kịp thời các phương tiện giao thông không đáp ứng quy định về tiêu chuẩn khí thải, xe chở nguyên vật liệu phục vụ xây dựng... gây ô nhiễm môi trường.

Mối nguy khi bụi mịn đi sâu vào cơ thể

Các bác sĩ khuyến cáo việc tiếp xúc các chất gây ô nhiễm trong không khí gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là bụi mịn do có tác hại lớn hơn so với bệnh thông thường vì có khả năng đi sâu vào cơ thể. Chúng được xem là "sát thủ" gây ra các bệnh hô hấp, tim mạch, thậm chí góp phần gây ung thư phổi ở nhóm người không hút thuốc lá.

Riêng đối với trẻ em, do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên trẻ chịu tác động nhiều nhất của ô nhiễm không khí. Thạc sĩ Vũ Xuân Đán - Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường, Sở Y tế TP.HCM - cho biết cùng nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn.

Trẻ sống gần mặt đường, gần công trình xây dựng hay nhà máy công nghiệp thì nguy cơ bệnh hô hấp cao từ 19-25% so với bình thường.

QUANG KHẢI - XUÂN MAI - XUÂN LONG