22/04/2019 02:59 | bệnh sởi
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trong bốn tháng đầu năm 2019, Mỹ đã ghi nhận hơn 550 ca bệnh sởi. Nhiều người trong số này sống tại nơi đang bùng phát dịch sởi và chưa được tiêm phòng. Tuy nhiên, liệu những trường hợp đã được tiêm phòng có nguy cơ mắc sởi không?
Theo CDC, những người đã tiêm phòng vẫn có khả năng mắc sởi, mặc dù tỷ lệ này rất thấp. Hai mũi vắcxin sởi, quai bị và rubella (vắcxin MMR) có hiệu quả phòng bệnh là 97%. Nói cách khác, khoảng 3% số người được tiêm hai mũi vắcxin sởi sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với virus.
Chưa có lý giải chính thức cho những trường hợp tiêm phòng đầy đủ mà vẫn mắc sởi. Các chuyên gia nhận định nguyên nhân có thể do hệ miễn dịch không phản ứng tốt với loại vắcxin được tiêm.
Những người chỉ tiêm một mũi vắcxin MMR có nguy cơ mắc sởi cao hơn. Vắcxin sởi được tìm ra từ năm 1963, đến năm 1989, các cơ quan y tế Mỹ mới khuyến cáo trẻ nhỏ cần tiêm đủ hai mũi.
"Hiện có rất nhiều người trưởng thành chỉ tiêm một liều vắcxin MMR", tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cao cấp từ Trung tâm An ninh Y tế tại Baltimore (Mỹ) chia sẻ. Ống nhấn mạnh một liều vắcxin MMR vẫn đạt hiệu quả phòng bệnh đến 90%, song tiêm hai liều vẫn đảm bảo hơn.
Tiến sĩ Adalja khuyến cáo những ai mới tiêm một mũi vắcxin MMR khi còn nhỏ nên cân nhắc tiêm mũi thứ hai. Đây là "quyết định đúng đắn", nhất là trong thời điểm dịch sởi bùng phát.
Nhiều người thắc mắc liệu tác dụng phòng bệnh của vắcxin có suy giảm theo thời gian hay không. Theo tiến sĩ Adalja, nhìn chung, những người đã được tiêm hai liều vắcxin được bảo vệ trọn đời nên không cần thêm mũi tiêm hỗ trợ nào khác. Song, hệ miễn dịch sẽ yếu dần theo quá trình lão hóa.
Để kiểm tra mức độ bảo vệ của cơ thể với bệnh sởi, người dân có thể đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm máu đo nồng độ kháng thể chống virus sởi.
Lê Hằng (Theo Live Science) - vnexpress
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56