05/03/2019 09:49 |
Theo Live Science, kết quả nghiên cứu công bố ngày 4/3 trên Annals of Internal Medicine là một trong những công trình lớn nhất phủ nhận mối liên hệ giữa tự kỷ và vắcxin phối hợp sởi, quai bị và rubella (MMR).
Để đưa ra kết luận, các nhà khoa học Đan Mạch xem xét dữ liệu của hơn 657.000 người sinh từ năm 1999 đến 2010 bao gồm 6.500 trường hợp được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ.
Kết quả cho thấy không hề tồn tại mối liên hệ nào giữa vắcxin và tự kỷ, thậm chí ở những nhóm sẵn có nguy cơ tự kỷ cao. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ sinh từ năm 1999 đến 2000 tiêm vắcxin bị tự kỷ ít hơn trẻ không tiêm vắcxin.
"Người chăm sóc không nên từ chối tiêm phòng cho trẻ vì mối liên hệ vô lý này giữa vắcxin MMR và tự kỷ", ông Anders Hviid từ Khoa Nghiên cứu Dịch tễ Viện Statens Serum tham gia nghiên cứu trên nhấn mạnh.
Ý tưởng vắcxin MMR liên quan đến tự kỷ bắt nguồn từ nghiên cứu nhỏ của Andrew Wakefield (Anh) trên tờ The Lancet năm 1998. Công trình này xem xét 12 trẻ chậm phát triển, trong đó tám em bị tự kỷ.
Do thiếu cơ sở khoa học, nghiên cứu của Wakefield nhanh chóng bị The Lancet rút lại, tác giả cũng mất giấy phép hành nghề bác sĩ. Đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn chỉ trích đây là "trò lừa đảo y khoa gây thiệt hại nhất 100 năm qua".
Từ năm 1998, hàng loạt nghiên cứu đã khẳng định vắcxin MMR không liên quan đến tự kỷ, trong đó có công trình năm 2002 tiến hành trên 537.000 cá nhân sinh từ năm 1991 đến 1998 ở Đan Mạch.
Đến nay, khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân sinh học dẫn đến tự kỷ. Tuy nhiên, một số nhóm có nguy cơ tự kỷ cao hơn là trẻ trai, trẻ sinh từ năm 2008 đến 2010, trẻ không được tiêm vắcxin và trẻ có anh chị bị tự kỷ. Vài yếu tố khác có thể dẫn đến nguy cơ tự kỷ như bố mẹ lớn tuổi, trẻ nhẹ cân, trẻ sinh non và mẹ hút thuốc trong thai kỳ.
Minh Nguyên - vnexpress.net
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56