13/07/2020 03:39 | ký sinh trùng cảnh báo
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại huyện M’Đrắk, Đắk Lắk - Ảnh: TTXVN
Ngày 12-7, ông Nay Phi La - giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết trên địa bàn huyện M’Đắk vừa ghi nhận thêm hai ca bệnh dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Cả hai đều là nam, sinh năm 1994, cùng trú thôn 7, xã Cư Króa.
Như vậy, tính đến sáng 12-7 tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu.
Hiện ngành y tế Đắk Lắk đang khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch; lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; phun thuốc khử khuẩn tại nhà bệnh nhân và 25 hộ xung quanh.
Sở Y tế Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk khẩn trương báo cáo với chính quyền huyện M’Đrắk về diễn biến của bệnh bạch hầu để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống; tổ chức khoanh vùng cách ly thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk; điều tra, giám sát việc sử dụng kháng sinh dự phòng đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân; khẩn trương triển khai tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho đối tượng từ 7- 26 tuổi tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk...
Tại Gia Lai, ông Mai Xuân Hải - giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết cơ quan chức năng ngày 11-7 phát hiện thêm một ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại xã Đak Smei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Bệnh nhân là nữ, 3 tuổi, trú tại làng Bok Rei.
Như vậy, hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện 2 ổ dịch bạch hầu với 20 ca bệnh.
"Chúng tôi đã khám sàng lọc và cấp thuốc điều trị cho toàn bộ người dân ở huyện Đak Đoa. Ngày 12-7 chúng tôi sẽ tiêm vắcxin. Đến thời điểm này, công tác khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan vẫn được ngành y tế tỉnh triển khai quyết liệt; công tác giám sát, cách ly các thôn, làng có ổ dịch vẫn đang được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, các trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu đang được điều trị tích cực, có dấu hiệu tiến triển tốt", ông Hải cho biết thêm.
Trước đó ngày 10-7, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập 4 tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.
Theo đó, Tổ công tác số 1 hỗ trợ tỉnh Đắk Nông do lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM làm tổ trưởng.
Tổ công tác số 2 hỗ trợ tỉnh Gia Lai do lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế làm tổ trưởng.
Tổ công tác số 3 hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk do lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương làm tổ trưởng.
Tổ công tác số 4 hỗ trợ tỉnh Kon Tum do lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy làm tổ trưởng.
Các tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, phối hợp với Sở Y tế các tỉnh xây dựng quy trình khám, sàng lọc, phân loại, tiếp nhận, điều trị, cách ly ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh bạch hầu dương tính tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh.
Bên cạnh hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các khoa điều trị ca bệnh bạch hầu, các tổ công tác phối hợp với các đoàn công tác của các đơn vị khác triển khai tập huấn, tập huấn lại phác đồ điều trị bệnh bạch hầu cho các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tỉnh.
Tổ công tác tham mưu, đề xuất giúp Sở Y tế các tỉnh bổ sung, điều chuyển nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư phục vụ công tác điều trị bệnh bạch hầu nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong.
Đồng thời, định kỳ hằng ngày (trước 17h) hoặc đột xuất, các tổ công tác báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) về tình hình, diễn biến điều trị các ca bệnh và các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai.
TTXVN
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56