27/08/2020 07:51 | COVID-19
Nhà nghiên cứu Paul Hunter cho rằng hệ miễn dịch chỉ kéo dài từ 4-6 tháng ở người mắc COVID-19 dạng nhẹ - Ảnh: AFP
Từ đầu đại dịch COVID-19, nhiều trường hợp bị nghi nhiễm bệnh hai lần nhưng giới khoa học chỉ nghĩ đến khả năng bệnh cũ tái phát chứ không phải nhiễm lần thứ hai.
Tuy nhiên ngày 24-8 vừa qua, Đại học Hong Kong xác nhận một người đàn ông 33 tuổi ở Hong Kong bị phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 lần hai khi qua kiểm tra ở sân bay lúc từ nước ngoài về.
Chỉ miễn dịch từ 4-6 tháng khi mắc bệnh nhẹ
Trả lời kênh truyền hình France 24 (Pháp), chuyên gia virus học Jonathan Stoye ở Viện nghiên cứu Francis Crick tại London (Anh) khẳng định: "Chúng tôi chắc chắn đây là trường hợp tái nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận".
Lời khẳng định nêu trên dường như rất đáng báo động, song các nhà khoa học vẫn "tỉnh như ruồi".
Nhà nghiên cứu vi sinh Paul Hunter - chuyên gia bệnh nhiễm mới nổi tại Đại học East Anglia ở Norwich (Anh), nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nói từ đầu dịch rằng hệ miễn dịch chỉ kéo dài từ 4-6 tháng nơi người mắc COVID-19 dạng nhẹ".
Đúng là bệnh nhân tái nhiễm ở Hong Kong là ca nhẹ. Trong lần mắc COVID-19 đầu tiên, anh này chỉ xuất hiện vài triệu chứng tương đối nhẹ như sốt, ho và nhức đầu.
Paul Hunter giải thích trên thực tế bệnh nhân Hong Kong không có triệu chứng, nghĩa là "hệ miễn dịch có thể ngăn các triệu chứng xuất hiện dù không thể tránh bị nhiễm bởi không còn kháng thể nữa".
Đây là điều may mắn vì đến nay giới khoa học ghi nhận người không bộc lộ triệu chứng sẽ ít lây nhiễm hơn các bệnh nhân khác.
Chuyên gia virus học Akiko Iwasaki ở Đại học Yale (Mỹ) khẳng định trên Twitter nhiều nhà khoa học không ngạc nhiên vì ca tái nhiễm đầu tiên ở Hong Kong cho thấy "phản ứng miễn dịch đang hoạt động chính xác như đã biết".
Chuyên gia Akiko Iwasaki (giữa) ở Đại học Yale đánh giá trường hợp bệnh nhân tái nhiễm ở Hong Kong cho thấy phản ứng miễn dịch đang hoạt động như đã biết - Ảnh: medicine.yale.edu
Không nên "vơ đũa cả nắm"
Các nhà nghiên cứu Hong Kong xác định dấu hiệu di truyền của virus tác động đến bệnh nhân tái nhiễm có khác với virus gây nhiễm lần đầu. Nói cách khác, anh này tiếp xúc với hai chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau.
Nhà nghiên cứu Paul Hunter ghi nhận như vậy với virus SARS-CoV-2 có thể âm thầm tấn công dẫn đến lây nhiễm thêm lần hai. Ông lưu ý: "Nếu anh này ở nước ngoài lâu hơn, chúng ta có thể không bao giờ biết anh ta bị tái nhiễm".
Trong khi đó, chuyên gia Jonathan Stoye cảnh báo từ một ca tái nhiễm không nên "vơ đũa cả nắm" vì phản ứng miễn dịch đối với COVID-19 khác nhau tùy mỗi người.
Các nhà khoa học Hong Kong không cung cấp thông tin chi tiết về tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân tái nhiễm. Do đó, Paul Hunter cho rằng rất khó biết người bị nhiễm lần hai có phải do hệ miễn dịch hay không mà chỉ có thể khẳng định khả năng tái nhiễm đã được chứng minh.
Ông giải thích: "Một trong những vấn đề chính là liệu những người bị nhiễm lần hai có thể lây nhiễm hay không và lây nhiễm như thế nào".
Jonathan Stoye đề nghị: "Nếu nhiều trường hợp tái nhiễm khác được xác định, điều quan trọng là phải xét nghiệm huyết thanh rộng rãi để biết rủi ro là gì".
Chuyên gia Jonathan Stoye đề nghị phải xét nghiệm huyết thanh rộng rãi nếu có thêm nhiều ca tái nhiễm - Ảnh: AP
Liệu vắc xin có hiệu quả lâu dài?
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong đánh giá trường hợp bệnh nhân tái nhiễm là tin xấu đối với giới nghiên cứu vắc xin vì nếu khả năng miễn dịch mất đi chỉ sau vài tháng, cần phải xem lại hiệu quả của vắc xin.
Nhưng nhà nghiên cứu Paul Hunter không bi quan đến thế. Ông nhận xét: "Chúng ta biết rằng vắc xin nói chung cung cấp khả năng miễn dịch lâu hơn so với khả năng miễn dịch xảy ra tự nhiên sau khi bị nhiễm".
Ngược lại, ông lo ngại bệnh nhân ở Hong Kong đã làm tiêu tan hi vọng của những người ủng hộ khả năng miễn dịch tập thể để đối phó với COVID-19.
Ông dự báo các đợt tái nhiễm có thể xảy ra trong vài tuần hay nhiều tháng tới mà không ai nhận ra. Ngày 25-8 đã xác nhận có thêm hai trường hợp tái nhiễm COVID-19 ở châu Âu.
Ca tái nhiễm ở Bỉ là một phụ nữ đã nhiễm COVID-19 lần đầu với các triệu chứng tương đối nhẹ, vì vậy có thể cơ thể chưa tạo đủ kháng thể để ngăn ngừa tái nhiễm.
Còn tại Hà Lan, ca tái nhiễm là một người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu.
Nhà nghiên cứu Marc Van Ranst ở Bỉ đánh giá để tránh tái nhiễm cần phải tiêm nhắc lại vắc xin hằng năm hoặc hai, ba năm một lần. Nhà nghiên cứu Marion Koopmans ở Hà Lan đồng tình.
Bà đề nghị cần xét nghiệm di truyền để xác định có đúng là tái nhiễm hay không và liệu hai lần nhiễm có phải do hai chủng virus khác nhau gây ra không.
Hoàng Duy Long
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56