18/11/2019 02:48 | sản phụ khoa
Ngoài sân, anh Nguyễn Hữu Thìn 31 tuổi, vội lau tay vào quần rồi chạy vào nhà lấy tã thay cho con, miệng nói "hôm nay thay 5 cái tã rồi đấy nhé, hai ông tướng". Chị Yến cười, nhắc "ông tướng giống bố nên hư đấy".
Cứ thế, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Yến, anh Thìn một tháng nay tất bật hơn bởi sự xuất hiện của hai con trai Nguyễn Vũ Phong và Nguyễn Quang Hải. Không phải lần đầu làm cha mẹ, nhưng cùng lúc chăm sóc hai con khiến anh chị nhiều phen toát mồ hôi hột. Hàng ngày, chị Yến chịu trách nhiệm chăm con, cho con ăn còn anh Thìn phụ giúp việc bếp núc, nhà cửa, giặt giũ. Bé lớn, Nguyễn Vũ Hà My 7 tuổi cứ tan học là chạy về chơi với em.
"Giờ gia đình có nếp, có tẻ, hạnh phúc này không gì diễn tả được. Ông trời quả không phụ lòng người", chị Yến nói.
Vũ Phong và Quang Hải là quả ngọt sau 7 năm chờ đợi của hai vợ chồng chị Yến. Ảnh: Thùy An. |
Chị Yến kết hôn năm 2011 rồi cùng chồng kinh doanh tại nhà. Sau khi con gái lớn cứng cáp, hai vợ chồng dự định sinh tiếp để "có chị, có em", gia đình có thêm tiếng cười. Chờ mãi mà duyên chưa tới, chị Yến đã đi thăm khám nhiều nơi và động viên chồng đi cùng.
"Ban đầu, tôi cũng ngại lắm, tâm lý con trai mà. Với cả có một đứa rồi nên tôi cũng chần chừ", anh Thìn nói.
Sau đó, cả hai đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả cho thấy anh bị tinh trùng yếu. Bác sĩ chỉ định làm IUI, bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhưng không thành công. "Nghe nói kích nhiều bị suy buồng trứng, nên tôi không điều trị nữa", chị Yến nói.
Thời gian trôi qua, áp lực ngày thêm nặng nề. Có người hỏi, "con lớn rồi sao không sinh thêm" hay "vợ chồng kế hoạch dài nhỉ"... chị đều im lặng, cổ họng nghẹn đắng. "Tôi biết họ chẳng có ác ý gì nhưng tâm lý của người hiếm muộn nhạy cảm lắm. Một lời hỏi thăm thông thường cũng có thể tủi thân được", chị nói.
Yến nhiều đêm mất ngủ, cứ nhìn trần nhà rồi nước mắt rơi. Biết vợ buồn, anh Thìn động viên vợ tiếp tục kiên trì chạy chữa. "Mình còn trẻ, còn thời gian, thôi cứ cố thêm lần nữa", anh nói.
Sau khi sinh, bác sĩ Hà (trái) đến tận nơi thăm hỏi sức khỏe mẹ và hai bé. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Năm 2017, hai vợ chồng đến bệnh viện Bưu điện, Hà Nội để "thử vận may". Theo bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, người trực tiếp thăm khám và chữa trị, kết luận chị bị vô sinh thứ phát, là vô sinh sau một lần có thai bình thường. Đây không phải là hiện tượng bất thường chiếm hơn một nửa các cặp vô sinh và ngày càng gia tăng.
Bác sĩ chỉ định làm IVF. Trong chu kỳ đầu tiên vợ chồng chị có 13 phôi. Tháng 12/2018, chị chuyển phôi lần đầu nhưng thất bại, kết quả xét nghiệm beta HCG cho thấy không có thai. Đến tháng 3, hai vợ chồng quay trở lại thực hiện chuyển phôi lần thứ hai. "Lần đầu không thành công nhưng sự tận tâm của các y bác sĩ khiến mình được tiếp thêm niềm tin", chị Yến nhớ lại.
Ngày 8/3, anh Thìn mua que thử thai tặng vợ nói "quà cho ngày hôm nay được trọn vẹn". Yến bẽn lẽn cầm lấy, thử và thấy hai vạch lên mờ. Để chắc chắn, hai vợ chồng đến bệnh viện kiểm tra cho yên tâm.
"Ngày biết tin có thai, tôi ôm chầm lấy chồng vì hạnh phúc. Cuối cùng, sự nỗ lực của hai vợ chồng đã được đền đáp", chị nói.
Trong thời gian mang thai, Yến gặp nhiều khó khăn do mang thai đôi, có lúc ra huyết, dọa sảy, phải nằm viện điều trị nhiều ngày. Tuần thai 35, chị đến viện kiểm tra và được chỉ định mổ đẻ. Hai bé trai chào đời tại Bệnh viện Bưu điện nặng 2,2 kg và 2,7 kg.
"Cảm ơn các con vì đã đến với bố mẹ và cảm ơn y học đã giúp chúng tôi hiện thực ước mơ về một gia đình trọn vẹn", chị Yến cảm ơn bác sĩ trước khi về nhà.
Buổi trưa tĩnh lặng, hai bé Phong và Hải ngủ ngon. Chị Yến và chồng tranh thủ ăn cơm, vừa không ngừng đưa mắt nhìn về chiếc giường nhỏ, sợ con thức giấc. Ngồi bên cạnh, anh Thìn gắp thức ăn cho vợ, đùa "kháng chiến trường kỳ, phải ăn mới có sức chiến đấu vợ nhé".
Thùy An
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56