Trang Chủ Tin tức Sai lầm cần tránh khi trẻ ho

Sai lầm cần tránh khi trẻ ho

11/02/2019 07:00 | khoa nhi

Sau các cơn ho kéo dài thường xuyên, bé Nghé ăn bao nhiều là nôn ói ra bấy nhiêu. Xót con nên mỗi lần như thế, chị Oanh (quận 2, TP HCM) lại cho con dùng siro ho.

Siro ho có vị ngọt khiến bé rất thích, hơn nữa lúc đầu dùng thấy hiệu quả rất nhanh nên chị Oanh thường xuyên "ưu ái" sử dụng. Sau một thời gian bé Nghé bị nhờn thuốc, bây giờ mỗi lần điều trị ho cho bé rất vất vả.

Sốt ruột vì chăm mãi mà con vẫn ốm đau, thường ho húng hắng và chậm tăng cân, chị Vân Hà, nhân viên thu ngân của một nhà hàng tại Bình Thạnh đưa con đi khám bác sĩ. Bé được kết luận bị viêm họng và kê thuốc về uống. Dùng 3 ngày thấy đã bớt ho, hơn nữa bé lại bị tiêu chảy, sợ con còi cọc thêm nên thay vì báo lại bác sĩ, chị tự động cho con dừng thuốc, khiến bệnh không dứt điểm mà tái phát dai dẳng.

Sai lầm cần tránh khi trẻ ho

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Dịch vụ 1 bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, ho là một triệu chứng làm cho cha mẹ lo lắng , tuy nhiên đôi lúc  ho là  phản xạ tốt, là cơ chế có thể giúp tống chất nhầy nhớt ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi của bé.

"Không nên tự động cho trẻ uống kháng sinh, thuốc ức chế ho, thuốc ngủ, hoặc thuốc chống dị ứng. Điều này vô cùng nguy hiểm vì những loại thuốc này có thể làm nặng thêm tình trạng viêm phổi, viêm thanh phế quản và hen suyễn ở trẻ. Ngoài ra những thuốc này còn có thể gây suy hô hấp ở trẻ nhỏ", bác sĩ Thanh khuyến cáo.

Bác sĩ Thanh đưa ra lời khuyên, nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế khi trẻ ho đột ngột kèm co thắt, khò khè, hoặc thở rít, tím tái. Đây có thể là do trẻ bị dị vật đường thở, phải sơ cứu ban đầu và cho trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Khi trẻ ho kèm nôn ói hoặc sốt cao 39 độ C, trẻ ho kèm khó thở, thở nhanh, nông, trẻ co giật hoặc li bì khó đánh thức, trẻ ho kèm thở mệt, cánh mũi phập phồng, co lõm ngực, tiết đàm nhớt nhiều... cũng cần được nhanh chóng đi gặp bác sĩ.

Trong trường hợp khi bé ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng bé vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường, không nôn ói, có thể theo dõi bé ở nhà. Nên chăm sóc bé bằng cách cho bé uống nhiều nước cam, chanh hoặc ăn trái cây tươi, nấu cháo hoặc súp để bé dễ ăn hơn và theo dõi nhiệt độ của bé. Nếu bé đỡ ho, ăn uống tốt, không sốt, thở dễ thì thường bé sẽ khỏi trong vòng một tuần. Nếu bé hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.

Chia sẻ về liều dùng kháng sinh ở trẻ, bác sĩ Võ Quang Phúc, phó giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết, liều dùng kháng sinh cho các trường hợp bị ho thường một đến hai tuần, theo từng mức độ nặng nhẹ khác nhau. Việc lạm dụng hay ngưng thuốc nửa chừng có thể dẫn việc nhờn thuốc, bệnh dễ tái phát và khó điều trị hơn. Trẻ em sử dụng kháng sinh khi có những triệu chứng như tiêu chảy, mẩn ngứa, dị ứng... cần phải báo cho bác sĩ biết để đổi thuốc hợp lý.

"Trẻ em phải tùy theo cân nặng, trọng lượng của cơ thể sẽ có liều lượng sử dụng thuốc phù hợp. Nhiều cha mẹ không tuân theo chỉ định của bác sĩ mà tự động cho con dùng một nửa liều của người lớn, điều này có thể dẫn đến những hậu quả tai hại", bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Lê Phương - vnexpress.net