22/11/2019 01:45 |
Ảnh chụp màn hình ngày 14-11-2019 từ một trang mạng đăng lại bài viết có thông tin sai lệch về “liệu pháp nước nóng”.
Có một đăng tải Facebook được chia sẻ hơn 8.400 lượt kể từ ngày 24-8-2018, trong đó đã sao chép nguyên văn một bài viết có nội dung sai lệch được lưu hành bằng tiếng Anh và tiếng Pháp xuất hiện trên nhiều trang web và trên mạng xã hội từ năm 2016.
Nội dung không đúng đó là gì? Là nước nóng có khả năng "chữa khỏi 100%" tất cả các vấn đề liên quan đến sức khỏe và bệnh tật.
Cụ thể nội dung bài viết nói rằng nước nóng có tính năng tiêu diệt các căn bệnh như bệnh tiểu đường, "các rối loạn ở dạ dày", ung thư, biếng ăn, "các bệnh có liên quan đến tử cung", "các bệnh tai- mũi- họng", "những vấn đề về kinh nguyệt", bệnh tim, đau nửa đầu, mỡ máu, động kinh, bại liệt, hen suyễn, v.v… và v.v…
Song song đó, bài viết cũng khẳng định là ngược lại thì nước lạnh sẽ "có hại" cho sức khỏe và có thể gây ung thư và đau tim!
Bài báo này đã nhận được hàng ngàn lượt xem trên YouTube từ tháng 2-2017, với khuyến cáo về một "liệu pháp nước nóng" cụ thể như sau: "Thức dậy sớm vào buổi sáng, uống khoảng 4 ly nước ấm khi bụng đói và không ăn gì trong vòng 45 phút sau đó (...)". Liệu pháp này sẽ giúp hết bệnh trong vài ngày hoặc vài tháng!
Ngoài việc khẳng đinh thời gian khỏi bệnh "chớp nhoáng" của "liệu pháp nước nóng" và một danh sách dài dằng dặt đủ mọi loại bệnh tật mà liệu pháp này có thể chữa khỏi, thì vấn đề gây nghi ngờ nhất ở chỗ là bài viết y học này không có nguồn xuất xứ cụ thể và cũng không có liên kết để tham khảo đến bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào đáng tin cậy về liệu pháp này.
Thông tin chỉ nêu lên tài liệu này là của "một nhóm bác sĩ người Nhật Bản" mà không ai có thể xác định được rõ thêm.
Còn trên nhiều phiên bản khác được đăng tải, có thể thấy bài viết được ký tên tác giả là một "bác sĩ D. Mensah- Asare" nào đó, lạ hoắc. Nếu sử dụng công cụ tìm kiếm trên mạng thì cũng không thể xác định được "vị" này có thật sự là bác sĩ hay không. Ông ấy hành nghề ở đâu? Có những công trình nghiên cứu y học nào hay không? Không thể tìm thấy được!
Ảnh chụp màn hình ngày 15-11-2019 từ một đăng tải Facebook có thông tin sai lệch với dẫn chứng cho là của "Bác sĩ D. Mensah- Asare".
Tệ hại hơn, nếu tìm kiếm hình ảnh dựa trên một hình chụp được cho là của "Bác sĩ D. Mensah- Asare" được minh họa kèm theo bài viết thì nhiều kết quả cho ra xuất thân của người này là một nhân viên ngân hàng tại Ghana, một quốc gia châu Phi! Có thể là ảnh chụp của ông này đã bị đánh cắp và sử dụng cho mục đích lừa gạt.
Trước thực tế trên, nhiều nhà khoa học đã phát biểu trên hãng thông tấn AFP để phủ nhận mọi tính năng điều trị bệnh của "liệu pháp nước nóng" cũng như phản bác ý kiến cho rằng nước lạnh có hại cho sức khỏe.
Giáo sư Bruno Falissard, chuyên ngành Y tế công cộng thuộc Đại học Paris-Saclay của Pháp, và là giám đốc một trung tâm nghiên cứu về Dịch tễ học thuộc Viện Sức khỏe và nghiên cứu y khoa Quốc gia Pháp (Inserm), đã khẳng định như sau với AFP: "Nước là cần thiết cho cuộc sống, nhưng chắc chắn không có tính năng chữa lành mọi bệnh tật. Không có một nghiên cứu khoa học nào về những lợi ích của nước nóng (để chữa bệnh) nên lập luận này là phi lý và vô giá trị".
Cũng theo giáo sư Falissard, sự biến thiên nhiệt độ của nước khi được uống vào cơ thể không có tác dụng nào hết đối với sức khỏe và cơ thể, nếu không nói đến khả năng bị bỏng khi uống nước ở nhiệt độ quá cao.
Giáo sư nói rõ là "cho dù đó là nước nóng hay nước lạnh thì cũng không có gì quan trọng. Nước không hề chữa bệnh và cũng không gây hại. Cơ thể chúng ta được cấu tạo để có thể an toàn khi hấp thu nước ở nhiệt độ từ 0 đến 40oC".
Hẳn nhiên, nước là một "thành tố hỗ trợ" như trong trường hợp cơ thể bị mất nước.
Từ vụ việc này, giáo sư Falissard nhận định rằng "điều đáng quan tâm hơn là vì sao có nhiều người lại tin tưởng mù quáng vào một chuyện điên rồ như thế? Đó là do họ bị thất vọng, hoang mang lo lắng".
Cũng theo giáo sư, xét về thành tựu y học, chúng ta đang được chăm sóc sức khỏe hiệu quả nhưng về mặt tinh thần, nền y học này lại thiếu tình người, một nền y học đa phần là đưa ra những nội dung cứng nhắc thuần chất khoa học, lý trí, trong khi người bệnh cần nhiều hơn những yếu tố về tinh thần. Cho nên khi có điều gì đó càng mơ hồ, càng mang tính phi thường dù hoang đường, thì lại càng có nhiều người tin vào.
Giáo sư Falissard nhấn mạnh rằng mối nguy hiểm từ những dạng thông tin sai lệch này là chúng "đánh vào tâm lý hoang mang lo sợ của nhiều người bệnh". Có nhiều bệnh nhân uống đủ mọi loại thuốc nhưng không khỏi bệnh, rồi đi hết "thầy" này "thầy" nọ cũng không hết, rốt cuộc niềm tin bị lung lay và họ tin ngay vào những nguồn tin… vịt như trên!
TƯỜNG NGUYỄN
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56