Trang Chủ Tin tức Những điều cần biết về viêm loét đại tràng

Những điều cần biết về viêm loét đại tràng

21/06/2018 10:28 |

Viêm loét đại tràng là một dạng viêm đường ruột, có thể gây viêm mạn tính các tế bào nằm ở trực tràng và đại tràng.

viêm loét đại tràng

Viêm đại tràng dẫn đến lỡ loét có thể gây chảy máu và gây rối loạn tiêu hóa. Bạn có thể dùng thuốc chống viêm và thực hiện các biện pháp để giảm ảnh hưởng lên cuộc sống.

Dấu hiệu cảnh báo

- Đau bụng: Nếu bạn thấy đau bụng và đi cầu thấy có máu trong phân, thì đó là dấu hiệu cảnh báo về bệnh viêm loét đại tràng.

- Sụt cân: Viêm đại tràng mạn tính có thể gây ra các rối loạn về tiêu hóa dẫn đến tình trạng sụt cân, biếng ăn, nôn ói, chậm lớn ở trẻ em.

- Dấu hiệu cảnh báo khác bao gồm: Đau khớp, khô da, mệt mỏi, thiếu máu, sốt bất thường.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác thì chưa rõ nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hệ miễn dịch đóng vai trò chính. Khi bạn bị viêm loét đại tràng, tế bào của hệ miễn dịch có thể không phản ứng theo cách thông thường đối với vi khuẩn đường ruột của bạn. Các nhà nghiên cứu cũng chưa rõ điều này là nguyên nhân gây ra bệnh hay là hậu quả của bệnh. 

Stress hay chế độ ăn có thể làm nặng triệu chứng của bệnh nhưng chúng không phải là tác nhân gây bệnh viêm loét đại tràng. Di truyền cũng đóng một vai trò chủ yếu ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Tuy nhiên, phần lớn người bị bệnh viêm loét đại tràng lại không có tiền sử này.

Xét nghiệm và chẩn đoán

Để giúp chẩn đoán xác định, bạn cần phải làm một trong những xét nghiệm và thủ thuật sau đây:

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để xem thử có bị thiếu máu hay có dấu hiệu nhiễm trùng không.

- Xét nghiệm phân: Có máu trong phân là một chỉ điểm của viêm loét đại tràng. Xét nghiệm phân còn giúp loại bỏ các rối loạn khác như nhiễm trùng do vi khuẩn, virut hay ký sinh trùng.

- Chụp cắt lớp (CT scan): Chụp cắt lớp vùng bụng hay khung chậu nếu nghi ngờ có biến chứng hay viêm ruột non. Chụp cắt lớp cũng có thể đánh giá mức độ viêm loét.

- Nội soi đại tràng: Để chẩn đoán chính xác thì cần phải làm nội soi đại tràng.

Biến chứng

- Thỉnh thoảng bệnh đưa đến các biến chứng như xuất huyết, tiêu chảy trầm trọng đưa đến mất nước. Trong những trường hợp này cần phải nhập viện điều trị ngay.

- Một số bệnh nhân bị viêm loét đại tràng đã bị mắc phải các bệnh khác như thoái hóa khớp, viêm khớp, sỏi thận và hiếm hơn là bệnh gan.

- Nguy cơ bị ung thư đại tràng xảy ra nếu bạn bị viêm loét và toàn bộ đại tràng bị ảnh hưởng trong một thời gian dài.

Điều trị nội khoa và phẫu thuật

Viêm loét đại tràng có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) hay phẫu thuật.

Điều trị nội khoa

+ Thuốc kháng viêm: Thuốc kháng viêm được sử dụng đầu tiên để chữa trị bệnh viêm ruột. Thuốc bao gồm:

- Aminosalicylate: Sulfasalazin có tác dụng làm giảm triệu chứng của viêm loét đại tràng nhưng có tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa và nhức đầu. Ngoài ra, mesalamin, balsalazid và olsalazin cũng có tác dụng bằng đường uống hay nhét hậu môn.

- Corticosteroid: Loại thuốc này bao gồm prednisone và hydrocortisone, thường được để dành cho trường hợp viêm loét đại tràng vừa và nặng mà không đáp ứng với Aminosalicylate.

+ Thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc ức chế miễn dịch bao gồm:

- Azathioprin (Azasan, Imuran) và mercaptopurin (Purinethol, Purixam): Đây là những thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị các bệnh viêm đường ruột.

- Cyclosporin (Gengraf, Neoral, Sandimmune): Những loại thuốc này thường dành cho những người không đáp ứng với những loại thuốc khác.

- Infliximab (Remicade), adalimumab (Humira) và golimumab (Simponi): Những loại thuốc này được gọi là TNF (Tumor Necrosis Factor: yếu tố gây hoại tử khối u) hay chất sinh học, có tác dụng trung hòa một loại protein do hệ miễn dịch tạo ra.

- Vedolizumab (Entyvio): Đây là loại thuốc mới nhất được dùng để điều trị viêm loét đại tràng.

Phẫu thuật

Trên 45% bệnh nhân bị viêm loét đại tràng cần đến biện pháp phẫu thuật để khâu chỗ rách hay cắt bỏ đoạn đại tràng bị tổn thương.

Cách sống và thuốc điều trị tại nhà

Thức ăn cần tránh hay hạn chế

- Hạn chế thực phẩm từ bơ sữa.

- Dùng thức ăn ít mỡ.

- Hạn chế chất xơ.

- Tránh các thức ăn tẩm gia vị, rượu và cà phê vì chúng làm cho triệu chứng nặng thêm.

Stress

Để có thể điều hòa được stress, bạn cần phải:

- Phản hồi sinh học: Phản hồi sinh học là một kỹ thuật giúp theo dõi và kiểm soát cách cơ thể phản ứng với các kích thích bên ngoài. Bằng cách này, người dùng sẽ học được cách kiểm soát các chức năng nhất định của cơ thể và từ đó có thể cải thiện tình trạng sức khỏe như: Giảm đau, giảm căng thẳng hoặc cải thiện hoạt động thể chất hay tinh thần. Kỹ thuật này làm giảm stress giúp bạn làm dãn căng cơ và giảm nhịp tim nhờ sự trợ giúp của máy phản hồi.

- Bài tập thư giãn và điều tức: Bạn có thể theo học các lớp về yoga và thiền.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế