01/11/2019 04:25 | cảnh báo
Tai biến trong chạy thận nhân tạo luôn tiềm ẩn, nhất là các tai biến do nhiễm khuẩn nước và dịch lọc, ông Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, cho biết tại hội thảo khoa học Thận nhân tạo, ngày 31/10.
Nước sử dụng trong lọc máu thận nhân tạo là nước RO, dùng để pha dịch đậm đặc thành dịch lọc thận, pha bột lọc thận thành dung dịch đậm đặc và dùng để rửa lại quả lọc thận. Trong khi, dịch lọc thận là dung dịch đậm đặc được pha với nước RO theo tỷ lệ nhất định.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đối với người không suy thận, mỗi ngày máu chỉ tiếp xúc với 2 lít nước thông qua đường tiêu hóa. Với người bệnh, trong một buổi lọc 4 giờ, máu bệnh nhân tiếp xúc với 120 lít dịch lọc. Nếu nước và dịch lọc không được đảm bảo sẽ xảy ra tai biến chạy thận ở bất cứ bệnh viện nào.
Nước và dịch lọc máu có thể có nguy cơ nhiễm 6 nhóm hóa chất gồm các hóa chất có độc tính (nhôm, đồng, chì, kẽm, nitrate...); chất điện giải có trong thành phần dịch lọc; các nguyên tố vi lượng vô cơ, hợp chất hữu cơ, chất sát trùng, bảo quản và chất phóng xạ.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp. Ảnh: Lê Nga. |
Theo Tiến sĩ Dũng, trung bình 15-20% mẫu nước và dịch lọc trong chạy thận nhân tạo bị nhiễm khuẩn nặng. Nguyên nhân chủ yếu do chưa tuân thủ đúng các quy trình sát trùng hệ thống xử lý nước, máy thận và hệ thống ống phân phối nước. Vi khuẩn phát triển trong dịch lọc máu chủ yếu thuốc nhóm gram âm, đôi khi có thể tìm thấy nấm.
Trong lọc máu, bên cạnh những biến chứng lâm sàng cần xử lý cấp cứu ngay như sốt, rét run, buồn nôn, tụt huyết áp, đau cơ, đau đầu... thì còn một số biến chứng không thấy ngay được mà có thể gây biến chứng lâu dài như suy giảm miễn dịch, xơ vữa mạch máu, tăng dị hóa...
Tiến sĩ Dũng cho biết để đảm bảo an toàn trong lọc thận nhân tạo, các bệnh viện cần phải có người chuyên trách về hệ thống xử lý nước và người này cần được đào tạo liên tục. Cùng đó, định kỳ thử test nước và dịch lọc tại các vị trí quy định, định kỳ khử khuẩn hệ thống ống dẫn nước, ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký nước...
Hệ thống lọc thận nhân tạo được đồng bộ hóa, tạo quy trình khép kín tại Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp. Ảnh: Lê Nga. |
Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp đang điều trị cho gần 200 bệnh nhân suy thận mạn tại các địa phương Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương... Bệnh viện đã triển khai lọc thận 15 năm, song trong quá trình triển khai đã từng có những vấn đề nhiễm khuẩn. Vì vậy, bệnh viện vừa đầu tư đồng bộ hệ thống máy thận - nước RO - dịch lọc trung tâm trong lọc máu.
Hệ thống này đảm bảo khép kín, tránh nhiễm khuẩn. Nước RO được dẫn ngay đến các máy chạy thận, tiết kiệm được nhân lực. "Đồng bộ hóa những quy trình hệ thống lọc máu nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro, tai biến cho bệnh nhân, giảm chất thải ra môi trường và giảm nhân lực", ông Tùng nói.
Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp là một trong 3 cơ sở y tế ở miền Bắc đồng bộ hệ thống máy thận - nước RO - dịch lọc trung tâm trong lọc máu, cũng là bệnh viện đầu tiên tự bỏ chi phí để đầu tư xây dựng được hệ thống pha dịch trung tâm, nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Lê Nga
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56