16/07/2020 02:04 | ký sinh trùng cảnh báo
Điều trị dự phòng tại ổ dịch bạch hầu ở thôn 7, xã Cư Róa, M’Đrắk, Đắk Lắk - Ảnh: Đình Thi
Trong lúc đó, tại khu vực Tây Nguyên, số người mắc bệnh bạch hầu tiếp tục gia tăng, hiện đã lên 82 ca, tăng gần gấp rưỡi so với tuần trước. Các chuyên gia dự đoán số mắc bạch hầu còn có thể tăng trong vòng 1 tháng nữa do hiện khu vực này mới bắt đầu chiến dịch tiêm chủng phòng dịch rộng rãi.
Sẽ tăng thêm trong tháng tới?
TS Nguyễn Văn Lâm, giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết hiện mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 30-50 trẻ mắc tay chân miệng, một số cháu có kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ nhiễm chủng virus EV71 là chủng có độc tính mạnh nhất trong số các chủng virus gây bệnh này.
Bác sĩ Lâm cho hay bệnh có diễn biến nhanh và có biến chứng nguy hiểm, phụ huynh có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu dễ nhận biết như trẻ có sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
Ngoài ra, trẻ mắc bệnh có tổn thương ở da như các vết rát đỏ, mụn nước ở vị trí họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối... Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế do đây là bệnh dễ lây lan nếu không biết cách phòng chống.
Cùng ngày, Bộ Y tế có văn bản cho biết giám sát truyền nhiễm từ đầu năm cho thấy cả nước ghi nhận trên 10.700 ca bệnh tay chân miệng tại 63/63 tỉnh thành. Một số tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh số mắc gia tăng trong các tuần gần đây.
Do hiện chưa có vắcxin phòng bệnh, Bộ Y tế lo ngại số mắc sẽ gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền vào mùa tựu trường, học sinh chuẩn bị vào năm học mới. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương giám sát tình hình dịch, chủ động thu dung, điều trị bệnh nhân, phòng lây nhiễm chéo tại bệnh viện, đặc biệt với các bệnh sởi, viêm phổi, viêm đường hô hấp khác và tay chân miệng, xử lý kịp thời các ổ dịch...
Hiện tại khu vực Tây Nguyên đang có dịch bạch hầu, nhiều tỉnh thành ghi nhận sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng, dịch COVID-19 vừa qua cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Chủ động phòng chống bằng giữ vệ sinh, tiêm chủng, thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế để tránh nguy cơ dịch chồng dịch.
Bạch hầu còn gia tăng tiếp
Chiều 14-7, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 3 người dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có một ca bé 4 tuổi, tiêm không đủ 4 mũi theo quy định.
Tính đến chiều 14-7, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại ba ổ dịch ở các huyện Lắk, M’Đrắk và Cư M’gar. Ngoài ra, ngành y tế đang theo dõi 2 trường hợp tại xã Krông Á và Ea M’đoal (huyện M’Đrắk) nghi mắc bệnh bạch hầu.
Tổng số đến 15-7, khu vực Tây nguyên ghi nhận 82 ca bệnh, trong đó có hơn 50 ca có biểu hiện bệnh rõ rệt, số còn lại là người lành mang trùng.
Nhiều người dân ở vùng Tây Nguyên không chỉ sợ tiêm ngừa mà còn sợ cả... uống kháng sinh dù đang ở trong vùng có dịch. Điều này khiến công tác ngăn dịch khá khó khăn.
Một cán bộ y tế ở xã Quảng Hòa cho biết trong đợt dịch bạch hầu vừa qua tại một ổ dịch xã Quảng Hòa, Đắk Glong (Đắk Nông) sau khi đã khoanh vùng, cách ly, ngành y tế thực hiện việc rà soát để ngăn, dập dịch. Có nhiều người dân phải điều trị dự phòng như uống kháng sinh để đảm bảo bệnh dịch không lây lan (những người tiếp xúc gần với ca dương tính đầu tiên âm tính thì sẽ được cho uống kháng sinh dự phòng.
Sau 7 ngày, những người này sẽ được tiêm vắcxin phòng bạch hầu - uốn ván). Vậy nhưng, do suy nghĩ nông cạn hoặc do tâm lý, nhiều người dân không hợp tác với cơ quan y tế, cũng gây chút khó khăn cho công tác phòng dịch...
Ông Huỳnh Thanh Huynh - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong (Đắk Nông) - cho biết thời điểm phát sinh ổ dịch tại thôn 12 xã Quảng Hòa, nhân viên y tế từng bó tay, không điều trị dự phòng được cho 1 người dân. Có trường hợp đã được thông báo, được mời vẫn không đến điểm tập trung nên nhân viên y tế phải... đi tìm.
"Có trường hợp đến mời nhiều lần vẫn không đi kiểm tra. Chúng tôi nhờ cả cán bộ thôn, công an xã đến mời để thực hiện việc điều trị dự phòng nhưng lần nào đến nhà vào khoảng 8h sáng anh này cũng đã say rượu, không thể can thiệp. Đoàn có lập biên bản nhưng cũng không xử phạt được. Mình phải nhờ người nhà giúp đỡ cho anh ấy uống kháng sinh dự phòng chứ không dám tiêm", ông Huynh kể.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - giám đốc Sở Y tế Đắk Nông - cho biết đã quán triệt các địa phương đổi mới cách truyền thông để nâng cao hiểu biết, tự nguyện tiêm phòng của người dân để ngăn ngừa dịch bệnh. Bà Hương cho biết thêm, ngay từ khi có các ca dương tính với bạch hầu đầu tiên, ngành đã triển khai nhanh các biện pháp khoanh vùng, cách ly và điều trị sớm. Vì vậy, các ca dương tính phát hiện sau này đều từ công tác rà soát các ổ dịch và sức khỏe các bệnh nhân đều tiến triển tốt.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, người dân không nên quá lo những phản ứng phụ sau tiêm, uống kháng sinh và cũng đừng quá lo khi có triệu chứng bệnh bạch hầu. "Bệnh bạch hầu là bệnh có kháng sinh chữa trị và có vắcxin dự phòng. Vì vậy, nếu có các triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế kiểm tra để phát hiện kịp thời và được điều trị.
Ngoài ra, người dân cần kiểm tra bản thân và con cái đã tiêm đủ các mũi phòng bệnh bạch hầu nói riêng và các bệnh khác trong tiêm chủng mở rộng chưa. Nếu chưa, cần tiêm đầy đủ để ngăn chặn dịch bệnh. Bên cạnh đó việc vệ sinh cơ thể và vệ sinh nơi sống để ngăn chặn vi khuẩn bạch hầu cũng hết sức cần thiết", bà Hương hướng dẫn.
L. Anh - Trung Tân
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56