Trang Chủ Tin tức Người bệnh ung thư điều trị miễn dịch có tín hiệu tốt

Người bệnh ung thư điều trị miễn dịch có tín hiệu tốt

21/08/2019 10:04 | ung thư

Ngày 19-8, tại Hà Nội đã diễn ra phiên chuyên đề “điều trị miễn dịch” của Hội nghị Transmed lần thứ 4 về những tiến bộ công nghệ và nghiên cứu lâm sàng trong y học chính xác.

Người bệnh ung thư cần được tư vấn cách điều trị - Ảnh: CTV

GS.TS Mai Trọng Khoa, đến từ Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), đã chia sẻ câu chuyện của nhiều bệnh nhân ung thư di căn, sau điều trị miễn dịch bệnh tình ổn định, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

"Đối với điều trị ung thư, cần khẳng định rõ không thể bỏ qua phương pháp phẫu thuật, không thể bỏ qua xạ trị, hóa trị hay điều trị nội tiết, cũng không thể bỏ qua điều trị đích. Tuy nhiên gần đây có thêm phương pháp điều trị miễn dịch. Đây là phương pháp mới trong điều trị ung thư chứ không phải là phương pháp thay thế cho các phương pháp điều trị ung thư đã có từ trước" - GS Khoa nói.

Trong điều trị bệnh ung thư không có một phương pháp nào được coi là duy nhất, mà tùy từng bệnh, từng giai đoạn, giới tính để sử dụng đơn trị hoặc phối hợp nhiều phương pháp. Hiện phương pháp điều trị đích và điều trị miễn dịch cũng được đặt nhiều kỳ vọng.

GS.TS Mai Trọng Khoa

Việt Nam tiệm cận các phương pháp hiện đại

Theo ông Khoa, các phương pháp chẩn đoán ung thư ở VN hiện đã tiệm cận với các phương pháp hiện đại trên thế giới. Còn trong điều trị, hầu hết các phương pháp điều trị cơ bản của VN cũng đã tiệm cận với thế giới, từ phương pháp phẫu thuật, kỹ thuật xạ trị hiện đại, điều trị hóa chất, nội tiết.

"Những năm gần đây có thêm các phương pháp điều trị cá thể. Cụ thể, đó là phương pháp điều trị đích, có nghĩa là tác động trực tiếp vào tế bào khối u. Tiếp nữa là phương pháp rất mới, đó là phương pháp điều trị miễn dịch. Như vậy, có thể nói ở VN có đủ các phương pháp điều trị ung thư mà thế giới đã có" - ông Khoa cho hay.

GS.TS Mai Trọng Khoa khẳng định trong điều trị bệnh ung thư không có một phương pháp nào được coi là duy nhất, mà tùy từng bệnh, từng giai đoạn, giới tính để sử dụng đơn trị hoặc phối hợp nhiều phương pháp. Hiện phương pháp điều trị đích và điều trị miễn dịch cũng được đặt nhiều kỳ vọng.

Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng phương pháp điều trị đích từ năm 2007 và đã có hàng ngàn bệnh nhân được điều trị thành công.

"Phương pháp điều trị đích có nghĩa là chúng ta sử dụng các loại thuốc tác động trực tiếp vào tế bào ung thư. Trên bề mặt tế bào ung thư có kháng nguyên, có chỗ để tiếp nhận các loại thuốc. Nó giống như ổ khóa, và chúng ta phải tìm được chìa khóa tương ứng rồi cắm vào đó, để khóa nó lại, làm cho quá trình tạo ra ung thư bị chặn đứng hoặc bị tiêu diệt... Cả hai loại thuốc này đều có một công năng giống nhau là ngăn chặn quá trình sinh ung thư, ngăn chặn quá trình phát triển và nhân lên của tế bào ung thư, quá trình sinh mạch, quá trình di căn" - ông Khoa chia sẻ.

Tuy nhiên, khác với phương pháp đích tác động trực tiếp vào tế bào ung thư, phương pháp điều trị miễn dịch dù là gián tiếp nhưng theo GS Khoa, hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp này điều trị cho bệnh nhân đã di căn hoặc thất bại với các phương pháp điều trị trước đó, hoặc phối hợp với các phương pháp điều trị khác cùng lúc.

Bước đầu có kết quả

Ông Khoa cho biết trong điều trị miễn dịch đã có những kết quả đáng mừng. Hàng chục bệnh nhân bị các loại ung thư như phổi, hắc tố và ung thư khác nữa, sau điều trị miễn dịch đã lui bệnh, trở về cuộc sống, chất lượng cuộc sống tốt dù trước đó đã di căn, thậm chí có bệnh nhân bị di căn cả lên não.

"Tại Bệnh viện Bạch Mai, tháng 3-2017 đã được phê duyệt cho dùng loại thuốc kháng thể đơn dòng để điều trị. Đến tháng 5-2017, bệnh nhân dùng thuốc đầu tiên trị ung thư hạch là cháu bé 16 tuổi. Cháu bị ung thư hạch, đã phẫu thuật, đã hóa trị, xạ trị nhưng vẫn tái phát, nhưng nhờ sử dụng điều trị miễn dịch, đến nay bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt" - GS.TS Mai Trọng Khoa dẫn chứng.

Chia sẻ thêm về phương pháp điều trị miễn dịch, GS.TS Mai Trọng Khoa cho biết trong cơ thể con người luôn có tế bào miễn dịch, gọi là tế bào T. Tế bào T có nhiệm vụ phát hiện, nhận dạng các tế bào ung thư, từ đó có phương án tiêu diệt, ức chế nguyên nhân gây bệnh hoặc tế bào ung thư.

Tuy nhiên, khi bị ung thư, tế bào ung thư tìm cách gắn vào tế bào T, làm cho tế bào T không còn chức năng nhận diện tế bào ung thư, không còn khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.

"Khi đó, tế bào ung thư sẽ vượt qua hàng rào miễn dịch của cơ thể, đi vào trong cơ thể, sinh sôi và tiếp tục phát triển. Vì vậy, phương pháp điều trị miễn dịch là tạo ra những kháng thể đơn dòng, chặn đứng quá trình gắn kết giữa tế bào T và tế bào ung thư, giúp cho tế bào T thoát khỏi sự kềm kẹp của tế bào ung thư, trở về đúng với chức năng tế bào miễn dịch và sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư" - ông Khoa chia sẻ.

Cùng với chia sẻ của GS Khoa, các nhà khoa học quốc tế cũng cho biết việc điều trị miễn dịch dù không phải là phương pháp thay thế nhưng là phương pháp mới có kết quả tích cực trong điều trị ung thư.

"Để đánh giá phương pháp điều trị ung thư cần có khoảng thời gian 5 năm sau điều trị. Hiện việc điều trị miễn dịch mới được 2 năm, vẫn cần tiếp tục đánh giá nhưng thực tế cho thấy tất cả những bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai và các cơ sở khác khi điều trị miễn dịch đều rất tốt, rất hiệu quả dù ung thư đã di căn và tái phát" - GS Khoa chia sẻ.

XUÂN LONG