Trang Chủ Tin tức Ngăn bệnh bạch hầu ra sao?

Ngăn bệnh bạch hầu ra sao?

03/07/2020 02:02 | ký sinh trùng cảnh báo

Gần đây, khi xuất hiện hàng chục ca bạch hầu ở các tỉnh và một ca tại TP.HCM, nhiều người dân lo lắng về sự lây lan của căn bệnh này. Số người đến tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu ở một số trung tâm tiêm chủng tăng đột biến.

Ngăn bệnh bạch hầu ra sao? - Ảnh 1.

Một cháu bé được tiêm vắcxin phòng ngừa bệnh bạch hầu - Ảnh: P. Lan

Theo hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, số người đến tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu tại các trung tâm tiêm chủng VNVC ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng... đã tăng đột biến lên 200-300%.

Chích ngừa cho cả nhà

Đại diện Trạm y tế P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết những ngày gần đây, nhiều người lớn ghé trạm này với mong muốn được chích ngừa bệnh bạch hầu. Nhưng đến ngày 1-7, trạm y tế này mới có loại vắcxin dịch vụ ngừa bệnh bạch hầu để tiêm cho người lớn. 6-7 tháng trước đó đã "đứt hàng" loại vắcxin này nên trạm y tế không mua được.

Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong tháng 6-2020 có 1.149 bệnh nhi đến bệnh viện này chích vắcxin phòng bệnh bạch hầu.

Sáng 2-7, tại Trung tâm VNVC ở đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM có nhiều người đến chích ngừa bệnh bạch hầu, thậm chí có người đưa cả gia đình đi chích ngừa bệnh này.

Là chuyên viên ngành bất động sản, công việc phải giao tiếp với nhiều người, chị N.N.M., 35 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận không khỏi lo lắng về nguy cơ mắc bạch hầu. Chị M. chia sẻ nhà chị vừa có con nhỏ 4 tuổi vừa có cha mẹ ngoài 60 tuổi, nên hôm nay chị thu xếp công việc đưa cả gia đình đi chích ngừa bạch hầu.

Ngồi gần đó, anh Trung Nam - 42 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM - lại khá lạc quan. Theo anh Nam, mọi người đừng quá hoang mang, lo lắng. 

"Bây giờ có dịch bệnh nào thì nước mình cũng kiểm soát được. Bệnh COVID-19 chưa có vắcxin chứ bệnh bạch hầu thì có vắcxin rồi. Mình đi chích ngừa là yên tâm. Mấy trăm ngàn đồng một mũi vắcxin mà phòng được bệnh còn hơn mắc bệnh, tốn hàng triệu đồng đi chữa bệnh. 

Ngày xưa người lớn mình không được chích ngừa đầy đủ như con nít bây giờ, mà có chích thì cũng lâu quá rồi, đi chích nhắc lại cho chắc. Nay tôi với vợ đi chích luôn" - anh Nam nói. 

Cần thiết tiêm ngừa

ThS Nguyễn Hiền Minh - phó giám đốc y khoa hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - cho biết đa số khách hàng đến chích ngừa bệnh bạch hầu ở hệ thống của trung tâm là trẻ em. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người trưởng thành, người lớn tuổi chủ động đi tiêm vắcxin phòng ngừa bệnh này. Bác sĩ Minh khuyên nên tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ lớn và cho cả người lớn vì như vậy mới phòng bệnh triệt để cho toàn cộng đồng.

Theo bác sĩ Minh, tất cả mọi người, mọi độ tuổi có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa được tiêm phòng vắcxin đều có thể mắc bệnh.

Trẻ sơ sinh thường có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con nên không mắc bệnh, nhưng miễn dịch bảo vệ này sẽ mất đi khi trẻ 6 tháng đến 1 tuổi nên trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu không tiêm vắcxin. Trẻ em dưới 15 tuổi dễ mắc bệnh bạch hầu nếu chưa có miễn dịch. Sau khi mắc bệnh, người bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời, tuy nhiên với những nhóm người suy giảm miễn dịch thì tỉ lệ tái nhiễm bệnh khoảng 2 - 5%.

Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắcxin phòng ngừa bạch hầu thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắcxin lên đến 97% nhưng giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.

Nhiều loại vắcxin ngừa bệnh

Theo bác sĩ Hiền Minh, hiện nay có nhiều loại vắcxin có thể phòng bệnh bạch hầu, phù hợp với mọi độ tuổi. Từ năm 1990, Việt Nam đã sản xuất được vắcxin bạch hầu - ho gà - uốn ván và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng có vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - viêm gan B dành cho trẻ 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng. Khi trẻ 16-18 tháng tuổi có thể tiêm vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván. Tiêm chủng dịch vụ cũng có nhiều vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho cả trẻ em và người lớn.

Làm thế nào phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả?

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo đây là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Do bệnh diễn biến cấp tính và có biến chứng đến tim, các trường hợp bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi tọa đàm nhằm hướng dẫn người dân có cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả. Buổi tọa đàm "Làm thế nào phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu?" của báo Tuổi Trẻ, với sự đồng hành của VNVC, sẽ được diễn ra lúc 9h sáng 3-7. (Minh Huỳnh)

Thùy Dương