22/11/2018 06:39 | khoa nhi
Chị Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con trai 5 tuổi của chị từ nhỏ đã có thể trạng yếu, bị hen và gần đây thì hay tái phát nặng. Chị chỉ nghĩ rằng do con có nước da trắng, lại hay bị bệnh nên bé có vẻ xanh xao chứ chưa bao giờ nghĩ thiếu máu. Nghe bác sĩ hướng dẫn cách nhận biết trẻ thiếu máu qua màu sắc của lòng bàn tay, chị rất ngạc nhiên.
Thiếu máu thiếu sắt là bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Theo số liệu thống kê của Tổng điều tra dinh dưỡng (Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, 2009-2010), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu máu thiếu sắt là 29%.
Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, trưởng phòng khám Cây Thông Xanh (trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng) cho biết, có rất nhiều trẻ được bố mẹ đưa đến khám và tư vấn về dinh dưỡng, về tâm lý hay các vấn đề liên quan đến sức khỏe... Hầu như không có gia đình nào đưa con đi khám vì lòng bàn tay nhợt - biểu hiện của thiếu máu do thiếu sắt, chỉ qua thăm khám bác sĩ mới phát hiện ra. Điều này cho thấy, nhiều gia đình chưa lưu ý đến dấu hiệu này.
Theo bác sĩ, thiếu máu thiếu sắt gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe của trẻ như biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, giảm trí thông minh, giảm sức đề kháng... Vì vậy những trẻ thiếu máu thường hay mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hơn.
Thông thường, các kết quả xét nghiệm máu sẽ cho biết chính xác tình trạng thiếu máu ở trẻ. Tuy nhiên, gia đình có thể nhận biết sớm các biểu hiện của thiếu máu để can thiệp kịp thời. Đó là các dấu hiệu như niêm mạc nhợt, da xanh xao, lòng bàn tay nhợt... trong đó nhận biết qua lòng bàn tay là cách dễ nhất và chính xác nhất.
Dấu hiệu lòng bàn tay nhợt đã được Bộ Y tế đưa vào chương trình khám toàn diện một trẻ ốm tại các cơ sở y tế. Do vậy khi thấy trẻ có dấu hiệu lòng bàn tay nhợt (so sánh lòng bàn tay của trẻ với lòng bàn tay của người bình thường) cần cho trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị phù hợp.
Có ba nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu ở trẻ:
- Trẻ được cung cấp thiếu chất sắt: Chủ yếu do chế độ ăn không đáp ứng đủ nhu cầu sắt của cơ thể trẻ.
- Do bị mất sắt: Khi trẻ bị xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cấp tính, hoặc chảy máu mãn tính (các bệnh liên quan đến ký sinh trùng như nhiễm giun sán).
- Do hấp thu sắt kém: Khi trẻ mắc bệnh rối loạn hấp thu như tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày, rối loạn chuyển hóa và hay mắc các bệnh nhiễm trùng khác như viêm phổi tái phát, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tai mũi họng…
Trong ba nguyên nhân kể trên thì nguyên nhân hay gặp nhất là chế độ ăn của trẻ thiếu chất sắt. Theo thống kê của phòng khám Cây Thông Xanh, phần lớn trẻ đến tư vấn dinh dưỡng tại đây đều không được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày qua phân tích thông tin khẩu phần ăn trong 24 giờ của trẻ do cha mẹ cung cấp.
Bổ sung sắt cho trẻ bằng cách nào?
Theo Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nhu cầu sắt của trẻ từ 1-5 tuổi là 10 mg một ngày. Cách bổ sung hiệu quả và an toàn nhất là thông qua chế độ ăn hàng ngày của trẻ. Việc bổ sung sắt qua đường uống cần được tham khảo ý kiến của bác sỹ về liều lượng và thời gian sử dụng.
Để bổ sung sắt cho trẻ cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 24 tháng. Trẻ ngoài 6 tháng cần cho ăn dặm với đầy đủ các chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm: chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ. Chú ý cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm giàu sắt như: các loại thịt màu đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt gà…; các loại hải sản như ngao, sò, hến, cá…; các loại hạt đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu lăng…; các loại rau màu xanh đậm như mộc nhĩ, cần tây, rau đay, rau dền trắng, hạt sen khô…
Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt, do vậy cần cho trẻ ăn thêm các thực phẩm giàu Vitamin C như đu đủ, chín, hồng xiêm, cam, quýt, chuối, xoài…
Trẻ cần được ăn uống đảm bảo vệ sinh để tránh nhiễm giun sán, tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần đối với trẻ từ 12 tháng trở lên.
Bùi Thu Hương - suckhoe.vnexpress.net
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56