Trang Chủ Tin tức Liệu pháp dùng đỉa chữa bệnh trong y học cổ truyền

Liệu pháp dùng đỉa chữa bệnh trong y học cổ truyền

19/02/2019 08:01 | y học cổ truyền

Người cổ đại tin rằng đỉa có khả năng hút máu độc, làm máu trong cơ thể lưu thông, vết thương mau lành hơn.

Theo y học cổ truyền, bệnh tật là do sự mất cân bằng của nước, các dịch lỏng bên trong cơ thể bao gồm cả máu. Vì thế từ nghìn xưa, khi con người chưa điều chế được kháng sinh để trị nhiễm trùng, các bác sĩ đã nhờ đến những con đỉa. Lý do rất đơn giản, loài vật này có khả năng hút máu độc khỏi cơ thể.

Theo NCBI, thầy thuốc đặt trực tiếp con đỉa lên những vết loét lâu ngày của bệnh nhân. Thông qua việc hút máu độc, đỉa cũng làm cho máu trong cơ thể được lưu thông, vết thương mau lành hơn. Một con đỉa có thể hút tối đa 15 ml máu, sau đó máu còn chảy thêm 15 ml nữa mới tự cầm. Do đó, tính ra mỗi con đỉa có khả năng lấy từ cơ thể người 30 ml máu.

Liệu pháp dùng đỉa chữa bệnh trong y học cổ truyền

Các bản thảo của ông tổ nghề y Hippocrate thế kỷ 5 trước công nguyên cũng ghi chép về việc sử dụng đỉa để trích bớt máu của bệnh nhân, giúp cơ thể thoát khỏi tình trạng thừa dịch. Đến đầu thế kỷ 19 "liệu pháp đỉa" mới đạt tới thời kỳ cực thịnh. Nghiên cứu ở Viện Kliniken Essen-Mitte (Đức) cho thấy con đỉa thực sự có tác dụng đối với các bệnh về xương khớp do chúng có khả năng hút máu và tiết ra chất dịch hirudin, chữa liền các mô tế bào, làm các ngón tay chân đứt lìa nhanh lành hơn.

Để chữa bệnh, thầy thuốc đặt đỉa vào các điểm đau trên đầu gối của bệnh nhân trong vòng 70 phút. Sau 7 ngày, bệnh nhân đỡ đau khớp gối hơn nhiều. Tác dụng này kéo dài đến tận nhiều ngày sau và các chức năng khớp cũng được cải thiện rõ rệt.

Trong phẫu thuật tạo hình, đỉa hỗ trợ lành các bộ phận cơ thể. Kỹ nghệ nuôi đỉa dùng trong y học phát triển thành một ngành công nghiệp quan trọng.

Nhờ những thành quả trong y học như vậy, thế kỷ 19 mỗi năm nước Pháp sử dụng 20-30 triệu con đỉa, nước Anh cũng dùng 7-9 triệu con. Nhu cầu dùng đỉa nhiều đến nỗi có lúc nó gần như tuyệt chủng tại châu Âu và đã được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tại Nga đã xuất hiện những cơ sở nhân giống và nuôi đỉa.

Pháp và Hy Lạp là hai nước nuôi đỉa nhiều nhất tại châu Âu thời kỳ đó, thu hoạch khoảng 2.500 con mỗi ngày. Để cung cấp thức ăn cho đỉa, những con ngựa già được dắt xuống đầm lầy cho chúng hút máu.

Liệu pháp dùng đỉa chữa bệnh trong y học cổ truyền_02

Tuy nhiên, lạm dụng đỉa trong trị liệu cũng đã gây nhiều tai tiếng. Trong những ngày hấp hối của mình, nhà văn Nga Gogol đã phải chịu đựng sự hoành hành của những con đỉa nằm trong mũi. Nhiều người cho rằng chính đỉa đã làm cho ông chết sớm hơn. Người ta cũng phỏng đoán Tổng thống Mỹ George Washington qua đời do lạm dụng đỉa để trích máu. Ông đã dùng đỉa gây chảy máu 4 lần một ngày để điều trị một cơn viêm họng nghiêm trọng.

Vào nửa sau thế kỷ 19, sự ra đời của các loại thuốc như aspirin, nitroglycerin, kháng sinh và các dược chất khác cho hiệu quả nhanh hơn, "liệu pháp đỉa" dần đi vào quên lãng.

Tại Việt Nam, đông y cũng dùng đỉa để chữa bệnh sau khi phơi khô. Thuốc có vị mặn đắng, tính bình, tác động vào các kinh mạch thuộc can và bàng quang, có khả năng thông kinh thông huyết, dùng điều trị mụn nhọt nơi bụng dưới, đau bụng do tích tụ huyết, ít kinh... Một số tài liệu cho thấy đỉa có tác dụng trị nhọt độc, phong lở, bế kinh... Trong cuốn Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh, đỉa được phơi khô, thái nhuyễn, sao đến khi vàng sậm, có công dụng làm tan huyết khối, trị mụn nhọt, phong lở...

Mỗi ngày người bệnh nên dùng 2-4 g đỉa khô, kết hợp với một số vị thuốc khác như nga truật, tam lăng, xuyên sơn giáp, đan sâm, đương quy... Những người ứ trệ huyết thì cấm dùng. Người bệnh cần được thầy thuốc khám và hướng dẫn sử dụng bài thuốc đặc trị phù hợp với bệnh và thể trạng.

Ngày nay, đỉa được dùng trong vi phẫu nhằm hỗ trợ nối các mạch máu nhỏ, chẳng hạn như khi ráp nối các phần bị đứt rời. Những hóa chất do đỉa tiết ra cũng được áp dụng rộng rãi để nghiên cứu và bào chế dược phẩm dùng điều trị các bệnh về tim mạch.

Thúy Quỳnh - vnexpress.net