Trang Chủ Tin tức Lấy xương chân tạo thành xương hàm cho thiếu nữ

Lấy xương chân tạo thành xương hàm cho thiếu nữ

14/08/2018 07:04 | phẩu thuật hàm phẩu thuật thẩm mỹ

Xương hàm dưới của Ly (Thái Nguyên) gần như bị phá hủy toàn bộ, bác sĩ phải cắt bỏ toàn bộ.

Ngày 13/8, các bác sĩ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương (Hà Nội) mổ vi phẫu tái tạo xương hàm mặt cho bệnh nhân Nguyễn Giang Ly, 16 tuổi. Đây là ca vi phẫu thứ 500 được thực hiện tại viện trong 10 năm qua.

Phát bệnh từ năm 8 tuổi với tình trạng sưng, đau răng suốt hai tháng, Ly được chẩn đoán bị u xơ men xương hàm. Bác sĩ chưa thể mổ ngay mà phải đợi bệnh nhi lớn. Lúc nào đau răng, không ăn uống được gì, em đến bệnh viện kiểm tra, lấy thuốc, điều trị duy trì.

Lấy xương chân tạo thành xương hàm cho thiếu nữ

Gần đây, Ly đau nhiều hơn, mặt bên phải sưng to. Xương hàm dưới phồng lên phá hủy hết, không còn chỗ nào nguyên vẹn xương, đau đớn. Tình trạng bội nhiễm để lâu có thể lan sang khu vực khác. Các bác sĩ quyết định thực hiện ca vi phẫu tái tạo khuyết hàm mặt cho cô gái.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt cho biết, các chuyên gia lấy xương mác từ cẳng chân, cả phần mô mềm có cuống mạch nối vi phẫu mạch máu giúp nuôi xương. Xương mác ít có chức năng, tiết diện to, có thể cắt uốn thành xương hàm dưới.

“Với Ly, chúng tôi cắt u, toàn bộ xương hàm dưới, sau đó tái tạo một nửa xương hàm dưới. Phần xương hàm mất dài nên phải cắt cả hai xương mác ở hai chân, phẫu thuật làm hai lần. Khi xương phát triển ổn định sẽ làm răng giả, giúp bệnh nhân nhai nuốt được”, bác sĩ Hà nói. Chi phí ca mổ được bệnh viện miễn phí toàn bộ.

Giáo sư Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương cho biết, tại Việt Nam những trường hợp bị khuyết hàm mặt không hiếm gặp. Có nhiều bệnh lý dẫn tới phải cắt bỏ xương hàm như ung thư xương hàm, u nguyên bào tạo men, u men-xơ, chấn thương hàm mặt... Người bệnh bị mất 1/3 tầng dưới mặt khiến nói khó, nói phều phào, ăn uống khó, dịch nước bọt dễ trào ra ngoài...

Ban đầu, bệnh nhân có thể được thay nẹp nhưng chỉ tạm thời. Sau này dùng xương sườn để ghép thay xương hàm dưới song xương bé, dễ gãy, không thể trồng được răng giả. Dùng xương mác thay thế hiện là kỹ thuật mới nhất, gần như không có biến chứng. Ca mổ vi phẫu kéo dài trung bình 8-10 giờ, trường hợp đặc biệt có thể 12 giờ.

Tại Việt Nam, u men chiếm 70-80% trường hợp phải cắt đoạn xương hàm. Đây là u lành tính, song bác sĩ phải đợi khi trẻ lớn để mổ. Trẻ đang ở độ tuổi phát triển, nếu mổ cắt xương hàm dưới sớm sẽ làm biến dạng khuôn mặt.

Nam Phương - suckhoe.vnexpress.net