28/08/2019 02:24 | cảnh báo dinh dưỡng
Người bệnh rót thức ăn dinh dưỡng của bệnh viện vào ống thông đưa vào cơ thể - Ảnh: XUÂN MAI
Đây là một trong những lý do khiến 34% bệnh nhân nội trú tại TP.HCM bị suy dinh dưỡng khi nằm viện. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi sức khỏe, làm tăng chi phí điều trị, giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ tử vong.
"Nhiều bệnh nhân có thói quen ăn uống qua loa thường ngày, trong khi mỗi suất ăn đã được nhân viên khoa dinh dưỡng tính toán và cung cấp nhưng thực tế không ít trường hợp bệnh nhân nội trú đã chia suất ăn bệnh viện cung cấp cho người nhà để giảm phát sinh chi phí." - BS Trần Thị Anh Tường.
Bệnh nhưng thích gì ăn nấy
Thử quan sát một vài ngày ở bệnh viện, chúng tôi phát hiện nhiều người bệnh ăn uống không theo chế độ dinh dưỡng cần thiết dành cho người bệnh.
11h ngày 12-8, các dãy ghế dọc hành lang, các buồng bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chật kín người bệnh và thân nhân.
Tại đây, hầu hết mọi người đang ăn trưa. Qua thăm hỏi được biết đa phần những suất ăn này được mua tại căngtin trong - ngoài bệnh viện, hoặc suất ăn miễn phí được phát trước cổng bệnh viện, chỉ có số ít bệnh nhân ăn khẩu phần ăn do bệnh viện cung cấp.
Sau khi được người thân mở giúp nắp hộp xốp, chị Đ.T.K. (55 tuổi, quê Quảng Ngãi) đưa bàn tay gầy trơ xương với lấy đôi đũa rồi chậm rãi gắp bún vào miệng.
Bữa trưa hôm nay của chị K. là hộp bún thịt nướng với giá 20.000 đồng được mua gần bệnh viện. Thành phần một hộp bún này bao gồm: bún, mỡ hành, một xiên thịt nướng, vài cọng rau thơm và một bịch nước mắm cay.
Ăn được phân nửa, chị K. buông đôi đũa rồi thở dài: "Tôi không thể nuốt nổi nữa. Phần bún còn dư này tôi để lại, khi nào buồn miệng thì ăn tiếp".
Theo người thân chị K., chị bị ung thư vú từ năm 2016, mỗi lần vào thuốc chị K. ăn rất kém nhưng ít khi nhận được tư vấn dinh dưỡng từ bác sĩ điều trị. Cũng từ khi điều trị, chị K. sụt cân liên tục, từ 52kg xuống còn 41kg.
Bước ra khỏi buồng bệnh, tôi gặp ông N.X.H. (68 tuổi, quê Đắk Lắk) ngồi bệt dưới nền gạch và đang cặm cụi ăn suất cơm chay miễn phí được nhận trước cổng bệnh viện. Khi ăn gần hết phần cơm, ông H. lấy bịch canh măng húp 1 hơi dài rồi chừa phần măng lại vì sợ ăn vào người sẽ uể oải.
Ông H. cho biết hiện ông đến bệnh viện để tái khám và nhận thuốc về nhà uống. Trước đó, cách đây 2 năm, ông đã phẫu thuật ung thư tuyến giáp và ung thư đại trực tràng.
Trong suốt thời gian nằm viện điều trị, ông H. được nhân viên y tế tư vấn dinh dưỡng nhưng không được rõ ràng. Những ngày về nhà, ông H. ăn theo thực đơn mà các bác sĩ dinh dưỡng chia sẻ trên Internet.
"Tôi không biết bệnh viện có phòng tư vấn dinh dưỡng. Sau khi được xuất viện, tôi nói con cháu lên Internet tham khảo các bài viết của bác sĩ dinh dưỡng rồi chế biến theo đó mà ăn thôi" - ông H. nói.
Vì sao tỉ lệ suy dinh dưỡng cao?
Theo kết quả nghiên cứu "Đánh giá tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM" của TS Lâm Vĩnh Niên cùng với cộng sự (năm 2017), tỉ lệ bệnh nhân có tình trạng dinh dưỡng tốt và có nguy cơ suy dinh dưỡng lần lượt là 60,25% và 39,75%.
Theo số liệu thống kê khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số lượng bệnh nhân đến tư vấn dinh dưỡng tăng dần theo thời gian. Cụ thể, cách đây 5 năm, mỗi tuần khoa tiếp nhận tư vấn dinh dưỡng khoảng 5 bệnh nhân thì hiện nay đã lên đến 70 bệnh nhân.
Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn khiêm tốn so với tỉ lệ suy dinh dưỡng bệnh nhân ung thư điều trị tại bệnh viện là 31%, trong đó 2/3 bệnh nhân vẫn tiếp tục sụt cân trong quá trình điều trị (theo kết quả "Nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư và một số yếu tố liên quan tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM" năm 2017).
BS Trần Thị Anh Tường - trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết quy trình tầm soát và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân nhập viện được thực hiện ở các khoa lâm sàng.
Cụ thể, các bác sĩ và điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân là những người hướng dẫn bệnh nhân ăn uống. Còn những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng hay có các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng sẽ được các bác sĩ chuyển đến khoa dinh dưỡng để được tư vấn hay hội chẩn tại giường.
"Vì nhiều lý do, trong đó có lý do quá tải mà bệnh nhân chưa được hướng dẫn dinh dưỡng một cách cụ thể như mong muốn. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân mang tâm lý sợ bác sĩ, điều dưỡng nên không dám mở lời" - BS Tường chia sẻ.
BS Tường còn cho hay nhiều bệnh nhân có thói quen ăn uống "qua loa" thường ngày, trong khi mỗi suất ăn đã được nhân viên khoa dinh dưỡng tính toán, cung cấp nhưng thực tế không ít trường hợp bệnh nhân nội trú đã chia suất ăn bệnh viện cung cấp cho người nhà để giảm phát sinh chi phí.
Điều đáng nói là rất ít thấy bệnh nhân tìm đến khoa dinh dưỡng để được tư vấn trong 5 năm qua, mặc dù đây là một nhu cầu không hề nhỏ khi tiếp xúc với bệnh nhân trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân tại bệnh viện.
Chú trọng suất ăn, cải thiện suy dinh dưỡng
Khoảng 1 tháng trước, thấy vùng cổ họng có nhiều bất thường, ông Đ.V.H. (73 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) đến nhiều bệnh viện thăm khám thì phát hiện mình bị ung thư vòm họng giai đoạn 4.
Hiện ông đang trong thời gian nằm viện sau nhiều đợt hóa - xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Để đưa dưỡng chất vào cơ thể, các bác sĩ phải mở thông thực quản. Hằng ngày, ông H. được nhận 4 suất ăn bệnh lý miễn phí do khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu cung cấp.
"Lúc mới phẫu thuật, chồng tôi sụt cân nhiều lắm. Nay ổng ăn được nên có da có thịt hơn rồi. Tôi rất cảm ơn bệnh viện đã cung cấp suất ăn bệnh lý miễn phí đảm bảo dinh dưỡng cho chồng tôi" - bà N.T.T., vợ ông H., chia sẻ trong vui mừng.
BS Anh Tường cho biết tại bệnh viện, tất cả suất ăn của khoa dinh dưỡng cấp đều miễn phí và hiện đáp ứng khoảng 40% bệnh nhân đang điều trị nội trú. Cụ thể, mỗi tuần bệnh viện cung cấp gần 4.800 suất ăn miễn phí cho hơn 300 bệnh nhân nội trú.
Người được nhận suất ăn miễn phí này là những bệnh nhân điều trị nội trú có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân ung thư tuyến giáp uống iốt phóng xạ hoặc bệnh nhân được đăng ký khám, hội chẩn dinh dưỡng bao gồm: những bệnh nhân suy dinh dưỡng đang mở ống thông, hậu phẫu có biến chứng rò dưỡng trấp...
"Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu cung cấp suất ăn miễn phí cho bệnh nhân điều trị nội trú đã hơn 10 năm nay. Đây là một điểm nổi bật hiếm thấy ở các bệnh viện khác trong và ngoài thành phố.
Theo chủ trương của ban giám đốc, hiện tại không ép tất cả bệnh nhân đăng ký suất ăn của khoa dinh dưỡng, cho nên để đạt được tiêu chuẩn của Bộ Y tế (70-90% bệnh nhân nội trú được cung cấp suất ăn từ khoa dinh dưỡng) chúng tôi cần sự hỗ trợ từ căngtin của bệnh viện" - BS Tường nói.
Mỗi tuần, Bệnh viện Ung bướu cung cấp gần 4.800 suất ăn miễn phí cho hơn 300 bệnh nhân nội trú - Ảnh: XUÂN MAI
Mới đây, tại Hội nghị dinh dưỡng TP.HCM mở rộng lần thứ 8 năm 2019, PGS Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho hay công tác dinh dưỡng - tiết chế ngày càng được chứng minh có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao chất lượng công tác điều trị, phục vụ người bệnh trong thời gian nằm viện.
Tuy nhiên, thực tế công tác dinh dưỡng - tiết chế tại một số bệnh viện còn một số khó khăn, hạn chế.
Để triển khai thực hiện tốt công tác dinh dưỡng - tiết chế trong bệnh viện, ông Khuê cho hay thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các hướng dẫn, thúc đẩy các bệnh viện chú trọng dinh dưỡng để công tác dinh dưỡng - tiết chế ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả hơn.
Nâng chất lượng thực đơn
Nhận định việc nâng cao chất lượng thực đơn có tầm quan trọng trong việc giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng khi nằm viện, PGS Lâm Vĩnh Niên, trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho hay suất ăn cho bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện được chỉ định và suất ăn phù hợp bệnh lý là một dịch vụ tiện ích của bệnh viện mà bệnh nhân nào cũng được hưởng.
XUÂN MAI
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56