Trang Chủ Tin tức Điều trị COVID-19 bằng huyết tương liệu có hiệu quả và an toàn?

Điều trị COVID-19 bằng huyết tương liệu có hiệu quả và an toàn?

27/08/2020 08:00 | COVID-19

Dùng huyết tương điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chỉ mới có kết quả ban đầu về an toàn. Còn về hiệu quả điều trị, các chuyên gia đánh giá cần thực hiện thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng nữa mới có thể đánh giá chính xác.

Điều trị COVID-19 bằng huyết tương liệu có hiệu quả và an toàn? - Ảnh 1.

Huyết tương là chất lỏng trong máu có màu vàng nhạt và trong suốt - Ảnh: AFP

Huyết tương là chất lỏng màu vàng nhạt và trong suốt chiếm từ 55%-65% tổng lượng máu trong cơ thể.

Khi một người nhiễm COVID-19, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Kháng thể tập trung trong huyết tương.

Phản ứng phụ rất thấp

Ngày 23-8, Mỹ cho phép điều trị khẩn cấp bằng huyết tương, có nghĩa là cho phép lấy kháng thể từ những người bị nhiễm COVID-19 đã hồi phục để tiêm cho các bệnh nhân mới nhiễm. Huyết tương đó được gọi là huyết tương giai đoạn bình phục.

Phương pháp điều trị bằng huyết tương đã được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1892 để ngăn chặn bệnh bạch hầu, sau đó ngăn chặn bệnh cúm Tây Ban Nha vào năm 1918.

Đến nay chưa có câu trả lời chính xác điều trị bằng huyết tương an toàn hay không, tuy nhiên kết quả nghiên cứu ban đầu rất đáng khích lệ.

Tháng 6-2020, hệ thống bệnh viện trường đại học Mayo Clinic ở Mỹ đã theo dõi quá trình truyền huyết tương trong 20.000 bệnh nhân và nhận thấy tỉ lệ bị phản ứng phụ rất thấp.

Tiến sĩ Scott Wright - người chủ trì công trình nghiên cứu, nói với hãng tin AFP: "Chúng tôi kết luận sử dụng huyết tương giai đoạn bình phục là an toàn".

Điều trị COVID-19 bằng huyết tương liệu có hiệu quả và an toàn? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế ở Los Angeles (Mỹ) lấy mẫu máu để tìm kháng thể nơi bệnh nhân COVID-19 đã bình phục - Ảnh: AP

Tỉ lệ tử vong giảm nếu tiêm sớm với liều cao

Để đánh giá hiệu quả, các chuyên gia nhất trí cần thực hiện thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng nữa để so sánh phương pháp điều trị bằng huyết tương với quy trình điều trị chuẩn.

Một nghiên cứu khác của hệ thống bệnh viện Mayo Clinic cho thấy tỉ lệ tử vong có giảm nơi các bệnh nhân được tiêm huyết tương sớm với liều kháng thể cao.

Tuy nhiên, đây không phải là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, chưa qua giai đoạn bình duyệt đồng nghiệp (các chuyên gia cùng lĩnh vực đánh giá khoa học) và không sử dụng giả dược (placebo).

Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đang tiến hành một nghiên cứu song song nhằm sử dụng huyết tương tạo miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 trước khi bệnh nhân mắc bệnh.

Tiến sĩ David Sullivan - người đang giám sát thử nghiệm lâm sàng, đã gọi phương pháp này là một dạng "vắc xin tức thì", nghĩa là có thể dùng để điều trị sớm cho những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao.

Thật ra dù nghiên cứu này chứng minh được hiệu quả thì cũng không thể áp dụng trên quy mô lớn.

Một số nhà khoa học lưu ý điều quan trọng hơn là nên phát triển kháng thể đơn dòng (kháng thể bắt nguồn từ một dòng tế bào duy nhất) vì dễ dàng điều trị đại trà hơn.

Điều trị COVID-19 bằng huyết tương liệu có hiệu quả và an toàn? - Ảnh 3.

Người hết bệnh COVID-19 đến hiến tặng huyết tương tại Bệnh viện Giám lý Houston (bang Texas) - Ảnh: NYT

Quyết định của Mỹ có yếu tố chính trị không?

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép điều trị khẩn cấp bằng huyết tương hôm 23-8, tức chỉ hơn hai tháng trước bầu cử Tổng thống Mỹ.

Các nhà bình luận chính trị đã đặt câu hỏi liệu quyết định này có yếu tố chính trị hay không bởi Tổng thống Donald Trump đã từng "lên bờ xuống ruộng" vì cách thức quản lý đại dịch COVID-19 bị chỉ trích.

Cuối tháng 3, FDA đã cho phép sử dụng khẩn cấp hai loại thuốc trị sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine trong điều trị COVID-19, các liệu pháp vốn được ông Trump bảo vệ.

Sau đó, giấy phép đã bị rút lại vì những cảnh báo về tác dụng phụ đối với tim và các nghiên cứu lớn chứng minh chloroquine và hydroxychloroquine vô tác dụng trong điều trị COVID-19.

Điều trị COVID-19 bằng huyết tương liệu có hiệu quả và an toàn? - Ảnh 4.

Tại cuộc họp báo hôm 23-8, ông Trump thông báo FDA đã cho phép điều trị khẩn cấp bằng huyết tương - Ảnh: Reuters

Hôm 23-8, khi bật đèn xanh cho phép điều trị COVID-19 bằng huyết tương, ông Trump và FDA đã dẫn số liệu thống kê cho thấy huyết tương làm giảm 35% tỉ lệ tử vong. Thật ra không phải như vậy!

Ngay sau đó, người phát ngôn FDA phải đính chính đây là số liệu giảm nguy cơ tử vong đối với những người nhận liều kháng thể cao so với những người nhận liều kháng thể thấp trong nghiên cứu của hệ thống bệnh viện Mayo Clinic.

Dù vậy, Tiến sĩ Daniel Hanley phụ trách thử nghiệm lâm sàng tại Đại học Johns Hopkins khẳng định mức kết quả cần thiết để cho phép điều trị khẩn cấp bằng huyết tương thực ra vẫn đạt được.

Ngày 24-8 (giờ địa phương), Tiến sĩ Stephen Hahn - ủy viên FDA, đã phải lên tiếng xin lỗi vì đã trình bày sai ý nghĩa số liệu.

Ông viết trên Twitter: "Tôi bị chỉ trích vì những nhận xét mà tôi đưa ra vào tối Chủ nhật về lợi ích của huyết tương giai đoạn bình phục. Những lời chỉ trích ấy hoàn toàn xác đáng. Điều đáng lẽ tôi phải nói đó là số liệu ấy chứng tỏ mức giảm nguy cơ tương đối chứ không phải mức giảm nguy cơ tuyệt đối".

Hoàng Duy Long