03/08/2020 08:46 | COVID-19
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng - Ảnh: Th. Xuân
Trong số đó có 12 bệnh nhân bị suy thận nặng, đang phải chạy thận nhân tạo, 3 bệnh nhân phải lọc máu liên tục. Ngoài ra có một số bệnh nhân gặp những biến chứng nặng từ bệnh nền như ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận mãn, suy tim...
Bệnh nhân 456 hồi phục tốt
Đặc biệt trong số này có bệnh nhân 456 được chuyển từ Đà Nẵng ra Huế hôm 30-7 trong tình trạng rất nặng, phải đặt nội khí quản nhưng đã hồi phục tốt. Theo các bác sĩ tham gia điều trị, hiện bệnh nhân 456 đã được ngưng lọc máu liên tục, rút nội khí quản và tự thở, huyết áp ổn định, các thông số về khí máu và điện giải trong giới hạn bình thường, tuy nhiên phổi vẫn còn hình ảnh viêm thâm nhiễm kẻ lan tỏa 2 bên.
Theo đại diện bệnh viện, các bệnh nhân chuyển viện từ Đà Nẵng ra Huế đa số đều có những bệnh lý nền rất nặng. Sau khi đưa ra Huế, các bác sĩ phải áp dụng nhiều phương pháp điều trị như lọc máu, thở máy, chạy thận nhân tạo... để giảm các chỉ số sinh hóa trong cơ thể người bệnh về gần với chỉ số bình thường.
Ngoài việc điều trị bệnh lý nền, các bác sĩ còn song song áp dụng phác đồ điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế một cách hợp lý vào từng trường hợp bệnh.
Ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân, trong khu vực cách ly của bệnh viện cũng được phân luồng, bố trí các phòng chức năng đảm bảo cho việc tránh nguy cơ lây chéo COVID-19 giữa các bệnh nhân, bác sĩ...
"Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị lần này, có nhiều người bị nhiễm vi khuẩn đa kháng nên chúng tôi phải bố trí khu cách ly riêng, không để bệnh nhân đa kháng nằm chung với bệnh nhân thường nhằm tránh lây chéo" - một bác sĩ nói.
Ngoài việc sử dụng phác đồ điều trị song song các bệnh lý nền và COVID-19, các bác sĩ cùng có các phương pháp điều trị hỗ trợ như phục hồi chức năng, đảm bảo dinh dưỡng trong quá trình điều trị.
Thành lập đơn vị lọc thận nhân tạo
GS.TS Phạm Như Hiệp - giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - cho biết bệnh viện cũng vừa thành lập đơn vị thận nhân tạo ngay tại khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng chuyển ra từ Đà Nẵng.
GS Hiệp cho biết trước đây khu cách ly điều trị COVID-19 không có đơn vị thận nhân tạo. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận thông tin từ Đà Nẵng là các ca bệnh chuyển ra Huế đều có tiền sử bị suy thận rất nặng phải chạy thận nhân tạo có chu kỳ, bệnh viện đã huy động trang thiết bị, vật tư... để thành lập đơn vị thận nhân tạo gồm 3 máy chạy thận nhân tạo kèm 3 máy Mini RO (máy lọc nước cho thận nhân tạo) ngay tại khu cách ly.
Bệnh viện cũng đã chuẩn bị các phòng chờ để lắp thêm máy chạy thận nhân tạo tại khu cách ly trong trường hợp số ca bệnh suy thận mãn tăng lên và Bộ Y tế hỗ trợ thêm máy chạy thận nhân tạo đưa về để cứu chữa bệnh nhân.
Theo ông Hiệp, để lắp một khu chạy thận nhân tạo với khoảng 8-10 máy trở lên thì phải mất gần cả tháng mới xong, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt, bệnh viện đã nỗ lực hoàn thành chỉ trong vòng hai ngày.
"Muốn các máy chạy thận nhân tạo hoạt động thì phải có một hệ thống bơm nước với áp lực mạnh giúp máy Mini RO hoạt động. Đội ngũ kỹ thuật của bệnh viện đã sáng tạo dùng máy bơm cao áp dân dụng vào khu cách ly để giúp máy hoạt động" - ông Hiệp nói.
Chỉ trong hai ngày, đơn vị chạy thận nhân tạo này đã giúp chạy thận cho hàng chục lượt bệnh nhân. Bệnh viện đã bố trí nhiều đội ngũ y bác sĩ chạy thận nhân tạo cho nhiều bệnh nhân cả ngày đêm.
Hiện nay bệnh viện đã bố trí nhân lực thành nhiều kíp trực (khoảng 120 người) làm việc tại khu cách ly điều trị COVID-19, tránh tình trạng các bác sĩ, điều dưỡng bị quá tải, đuối sức. Tinh thần của các điều dưỡng, bác sĩ làm việc tại đây cũng rất tốt, nhiều người xung phong ở lại điều trị bệnh nhiễm COVID-19 đến khi hết dịch mới về nhà với người thân, gia đình.
Việt Nam đã có 6 ca tử vong
Bộ Y tế chiều 2-8 thông báo ghi nhận thêm 30 ca mắc COVID-19, trong đó Đà Nẵng 16 ca, Quảng Nam 9 ca, Đắk Lắk 2, Đồng Nai 1, Khánh Hòa 1, Hà Nam 1. Trong số bệnh nhân, có người làm quán ăn gần Bệnh viện Đà Nẵng, đi đám cưới cùng bệnh nhân 416, chăm người nhà tại Bệnh viện Đà Nẵng. Đặc biệt có 15 bệnh nhân (bệnh nhân 604-619) ghi nhận tại các đơn vị y tế trên địa bàn Đà Nẵng.
Tính đến 18h ngày 2-8, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 620 ca COVID-19 (307 ca nhập cảnh), trong đó 373 ca đã khỏi, 6 ca tử vong. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe, 14 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần với COVID-19. (L.A.)
Nhật Linh
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56