Trang Chủ Tin tức Đi chơi hè, cẩn thận kẻo vô viện vì... ăn uống

Đi chơi hè, cẩn thận kẻo vô viện vì... ăn uống

20/07/2020 07:07 | cảnh báo dinh dưỡng

Đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn các món ăn tại khu du lịch, vui chơi hoặc tự túc mang theo… với số lượng từ hàng chục lên đến hàng trăm người.

Đi chơi hè, cẩn thận kẻo vô viện vì... ăn uống - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám một bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi tham gia bữa tiệc tại TP Vũng Tàu hôm 15-7 - Ảnh: Đông Hà

Ngộ độc thực phẩm mùa hè là mối lo ngại của nhiều người, đặc biệt khi du lịch tại vùng đất mới. Vậy làm sao lựa chọn và bảo quản thực phẩm an toàn? Nếu chẳng may ngộ độc xảy ra thì xử lý ra sao?

Tăng vào mùa nắng nóng, du lịch

Vụ ngộ độc xảy ra mới đây nhất khiến gần 100 du khách đau bụng, nôn ói sau khi ăn tiệc chiêu đãi của công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại nhà hàng H.P trên đường Hoàng Hoa Thám, TP Vũng Tàu hôm 15-7. Đến rạng sáng hôm sau, các bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Lê Lợi (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cấp cứu, nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết bệnh viện tiếp nhận số ca ngộ độc thực phẩm quanh năm, trong đó nhiều nhất rơi vào mùa nắng nóng. Bác sĩ Phương cho rằng mùa hè có nhiệt độ cao, nếu không bảo quản thức ăn đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm biến chất thức ăn. Người ăn phải thức ăn này dễ xảy ra ngộ độc, đặc biệt là trẻ em.

Bên cạnh đó, vào mùa hè nhiều gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học tổ chức đi du lịch nên việc chế biến không chu đáo như tại gia đình. Nếu ăn các thức ăn hàng rong, vỉa hè không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay những món độc lạ cũng dễ mắc phải ngộ độc thực phẩm, khiến chuyến đi không trọn vẹn.

Xử trí thế nào?

Bác sĩ Phương cho hay nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm là các chất dinh dưỡng trong thức ăn sẽ bị biến chất và phân hủy thành chất có hại do các độc tố của vi khuẩn (thường gặp vi khuẩn Salmonella, E.Coli), do nhiễm virus, ký sinh trùng hay do thực phẩm bị nhiễm độc (chất hóa học, chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm).

Hậu quả của ngộ độc thực phẩm thường gặp trong trường hợp nhẹ là bị mất nước, mệt mỏi. Ở thể nặng, người bệnh có thể gặp tình trạng sốc, tổn thương cơ quan và thậm chí tử vong.

Sau khi ăn thức ăn khoảng một tiếng đồng hồ hoặc nhiều hơn, có đến 90% người bị ngộ độc thực phẩm sẽ có các biểu hiện đường tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Với những triệu chứng khác như nhức đầu, chóng mặt, bứt rứt, sốt cao vẫn có thể xuất hiện nhưng tùy theo loại ngộ độc và vi khuẩn gây ra. 

Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm nêu trên, người bệnh cần được bù đủ dịch sớm (nhất là ở người già và trẻ em) bằng cách thường xuyên uống nước đun sôi để nguội hay oresol với liều lượng vừa phải. Sau đó, đến cơ quan y tế gần nhất để có hướng xử trí ngộ độc thực phẩm thích hợp.

Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ xử trí cấp cứu, điều trị triệu chứng, đồng thời tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và một số xét nghiệm cần thiết để đánh giá mức độ ngộ độc thực phẩm, tìm nguyên nhân và đưa hướng điều trị đúng nhất.

Xuân Mai