Trang Chủ Tin tức Dân số Việt đang già đi nhanh như thế nào

Dân số Việt đang già đi nhanh như thế nào

27/12/2018 03:35 |

70% dân số Việt Nam tuổi 15-64, trong khi 10 năm trước tỷ lệ 66% và năm 1979 chỉ 53%.

"Thời gian để người cao tuổi tăng từ 10% lên 20% ở Pháp mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Mỹ 69 năm còn Việt Nam chỉ hơn 20 năm", ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết.

Dự báo, Việt Nam đạt "dân số già" vào năm 2035, với tỷ lệ 20%, tức khoảng 21 triệu người cao tuổi.

Già hóa dân số là biểu hiện cho thành tựu phát triển kinh tế, xã hội. Kết quả là tăng nhanh tuổi thọ bình quân và thành tựu giảm sinh. Già hóa dân số đặt ra nhiều vấn đề như an sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khỏe, việc làm cho người cao tuổi.

Dân số Việt đang già đi nhanh như thế nào

Cũng theo ông Tú, Việt Nam đang trong giai đoạn "Cơ cấu dân số vàng", nếu không khai thác thì cơ hội "vàng" sẽ mất vào khoảng năm 2040.

"Cơ cấu dân số vàng là tình trạng số người trong độ tuổi 15-64 (độ tuổi có khả năng lao động) nhiều gấp 2 lần tổng số người dưới 15 tuổi (phụ thuộc trẻ) và số người từ 65 tuổi trở lên (phụ thuộc già). Thực chất, một dân số có cơ cấu vàng, khi tỷ lệ những người trong độ tuổi (15-64) chiếm 66% trở lên", ông Tú lý giải.

Năm 1979, 53% dân số Việt trong độ tuổi 15-64, năm 2007 tỷ lệ này là 66%, bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng". Hiện nay, tỷ lệ này tới xấp xỉ 70%.

Khoảng nửa dân số trong độ tuổi lao động là người trẻ, dưới 34 tuổi, thuận lợi cho tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. 

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng còn phải đảm bảo những người trong độ tuổi hoạt động kinh tế có khả năng làm việc.

"Người trong độ tuổi trẻ nhưng ốm đau, bệnh tật, không có khả năng lao động thì cũng không tác động tích cực cho phát triển. Những người có khả năng làm việc phải có việc làm, nếu thất nghiệp hoặc có việc làm không đầy đủ sẽ tác động tiêu cực đến phát triển", ông Tú nhấn mạnh.

Cùng với đó, những người có việc làm phải làm việc với năng suất, thu nhập cao. Nếu có việc làm nhưng năng suất, thu nhập thấp, đất nước không tránh được "bẫy thu nhập trung bình", mức sống nhân dân khó cải thiện.

Về chất lượng dân số, ông Tú cho biết, chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) - một trong những chỉ báo về chất lượng dân số của nước ta đã tăng từ 0,486 điểm (năm 1992) lên 0,683 vào năm 2016. Tuy nhiên, so với thế giới, thứ hạng này vẫn còn thấp. Nếu năm 1992, HDI của Việt Nam xếp thứ 120 trong 174 nước so sánh thì năm 2015 ở vị trí thứ 115 trong số 188 nước so sánh.

"Chưa bao giờ Việt Nam lọt vào top 100 nước phát triển nhất, chưa rút ngắn được khoảng cách so với các nước trên thế giới. Trong đó, năng suất lao động vẫn là thành tố yếu nhất khi nói đến chất lượng dân số. Điều này cho thấy những thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dân số", ông Tú nhìn nhận.

Vì vậy, cùng với thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số, thích ứng dân số già, duy trì mức thay thế... Việt Nam muốn tận dụng cơ hội vàng này để phát triển đất nước trước khi già hóa.

Lê Nga - vnexpress.net