Trang Chủ Tin tức Cứu sống hai bé bị phản ứng nặng sau tiêm chủng

Cứu sống hai bé bị phản ứng nặng sau tiêm chủng

12/07/2019 09:48 | khoa nhi

Một bé gái 3 tháng tuổi và một bé trai 2 tháng tuổi ở TP.HCM đã bị phản ứng nặng sau khi tiêm văcxin 5 trong 1 miễn phí ComeBE Five. Nhờ được theo dõi, phát hiện, điều trị kịp thời, cả hai cháu bé đã được cứu sống.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa mới công bố thông tin về hai trường hợp trên.

Trường hợp đầu tiên là bé gái L.M. P.T., 3 tháng tuổi, tiêm văcxin ComBE Five và uống văcxin bại liệt OPV lần 1 tại Trạm y tế phường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức vào lúc 8h30 phút ngày 17-5.

Hơn 2 giờ sau khi tiêm, lúc này bệnh nhi đã về nhà thì người mẹ phát hiện bé khóc thét rồi tím tái, lịm người.

Mẹ bé nhanh chóng đưa bé đến trạm y tế. Tại đây, bé đã được khám và tiêm Adrenaline, đồng thời nhân viên y tế trạm báo ngay cho Bệnh viện Q. Thủ Đức đưa xe bệnh viện xuống đón trẻ về theo dõi tại bệnh viện.

Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế), hỏi thăm một bà mẹ đang theo dõi trẻ sau khi được tiêm văcxin tại một cơ sở tiêm chủng - Ảnh: Thùy Dương

Trường hợp thứ hai là bé trai H.T.T., 2 tháng tuổi. Bé được tiêm văcxin ComBE Five và uống văcxin bại liệt OPV tại Trạm y tế Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM vào ngày 26-6.

Khoảng 3 giờ đồng hồ sau khi tiêm, lúc này bé đã về nhà, mẹ bé cũng phát hiện bé khóc nấc, khó thở, da xanh tái sau đó tím tái, lịm người nên cũng nhanh chóng đưa bé quay lại trạm y tế.

Tại đây, bé cũng được cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế, sau đó bé cũng được xe của Bệnh viện Q.Tân Phú đón về điều trị.

Cả hai ca này đều được xác định là phản ứng phản vệ độ 3 xảy ra sau tiêm chủng văcxin ComeBE Five (văcxin được tiêm miễn phí của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia). Hiện cả hai bé đã khỏe mạnh và đã được xuất viện.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm và thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, sau khi đưa trẻ đi chích ngừa các bậc phụ huynh nên theo dõi trẻ theo đúng lời dặn của nhân viên y tế.

Cụ thể là để trẻ ở lại nơi chích ngừa 30 phút theo dõi xem trẻ có nổi mề đay hay thở khò khè hay không? Nếu trẻ có những triệu chứng này sẽ báo với nhân viên y tế để trẻ được chích thêm một liều thuốc chống dị ứng.

Còn khi trẻ có những triệu chứng của phản ứng phản vệ (phản ứng phản vệ có 4 độ, độ 4 là nặng nhất với biểu hiện ngưng tim, ngưng thở), phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để trẻ được tiêm thuốc Adrenaline điều trị phản ứng phản vệ. Các bậc phụ huynh cần theo dõi sát trẻ trong 48 giờ sau tiêm văc xin.

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh trẻ không chỉ bị phản ứng phản vệ với văcxin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà cả với văcxin dịch vụ…

Thùy Dương