Trang Chủ Tin tức Chỉ số tia cực tím TP.HCM lại ở mức báo động

Chỉ số tia cực tím TP.HCM lại ở mức báo động

09/06/2020 02:13 | cảnh báo

Trưa 8-6 và những ngày tới, chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM duy trì từ mức 9-10. Với các mức này sẽ ảnh hưởng xấu đến da và gây ra các bất ổn cho mắt nếu ở ngoài nắng mà không được che chắn.

Chỉ số tia cực tím TP.HCM lại ở mức báo động - Ảnh 1.

Trang Weather Online (Anh) cập nhật chỉ số tia UV trong hôm nay 8-6 và những ngày sắp tới - Ảnh chụp màn hình

Theo dự báo của trang thời tiết Weather Online (Anh), chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM vào hôm nay 8-6 ở mức 10, từ ngày 9 đến 11-8 từ mức 8 đến 10.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết ngày 8-6, tại TP.HCM, nhiệt độ cao nhất trong ngày 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn. Với chỉ số tia UV mức 8-10, nếu ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da.

ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa ung bướu Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết bức xạ cực tím là thành phần trong ánh sáng mặt trời, trong đó quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA của tế bào da.

Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm da lão hóa nhanh và có thể gây ung thư da.

Ngoài ảnh hưởng xấu đến da, tia cực tím còn có thể gây ra các bất ổn cho mắt như cườm mắt.

Chỉ số tia cực tím TP.HCM lại ở mức báo động - Ảnh 2.

Trưa nay 8-6 và những ngày tới, chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM chạm mức nguy hiểm, người dân cần che chắn cẩn thận khi đi ngoài đường - Ảnh: X.M.

Với thời tiết này, bác sĩ Vũ khuyến cáo người dân cần hạn chế ra đường vào lúc nắng gắt nhất (khoảng 10-16h) khi không cần thiết, mặc trang phục dài tay, dài chân, đậu nón rộng vành, uống đủ nước, dùng các sản phẩm chống nắng với chỉ số bảo vệ ánh nắng (SPF) từ 30 trở lên.

Khi đi tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt cũng nên dùng kem chống nắng và kính mát vì tia cực tím vẫn có thể xuyên thấu qua nước. Ngoài bề mặt nước ra, cát cũng có thể gây phản xạ tia cực tím.

Theo bác sĩ Vũ, đặc biệt cần chú ý bảo vệ cho trẻ em vì da trẻ nhạy cảm hơn và thời gian tiếp xúc với ánh nắng kéo dài hơn người lớn. Tuy nhiên không nên quá e ngại tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.

Lưu ý không phải lúc nào trời nhiều mây cũng ít tia cực tím vì một số trường hợp đám mây có thể phản xạ và tăng cường độ của tia cực tím. 

Tương tự, các tòa nhà kính, cửa sổ kính, kim loại cũng làm phản chiếu tia cực tím nên người dân cũng nên cẩn trọng khi di chuyển trong nội thành.

"Ánh nắng đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, giúp cơ thể khỏe mạnh, tiêu diệt vi trùng, cung cấp năng lượng, thực phẩm..., do đó người dân không nên quá lo lắng, chỉ cần thực hiện các biện pháp bảo vệ đơn giản là hoàn toàn an tâm khi ra đường" - bác sĩ Vũ chia sẻ.

Xuân Mai