06/11/2019 07:45 | cảnh báo
Nên hạn chế hút thuốc lá vì rất có hại cho sức khỏe - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong thuốc lá chứa khoảng 4.800 chất hóa học và 90 trong số đó có thể gây ung thư. Ngoài những chất độc điển hình như arsen, chì, cadmium, formaldehyde, benzol hay nitrosamine thì polonium-210 tạo ra phóng xạ cũng có thể làm hỏng hóc hệ gen của tế bào là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh gồm cả ung thư.
Tại sao có polonium-210 trong thuốc lá?
Từ năm 1965 các nhà khoa học Anh đã phát hiện polonium-210 có trong cây thuốc lá. Các nghiên cứu khác đã xác định được rằng cây thuốc lá đã hấp thu các chất phóng xạ là sản phẩm phân rã của uranium qua rễ và lá. Rễ cây hấp thu chì phóng xạ sau đó phân hủy thành polonium-210, đồng vị bức xạ chính trong khói thuốc lá.
Trong lá cây thuốc lá có hàm lượng chất phóng xạ cao hơn rất nhiều so với các loại cây khác, thậm chí còn cao hơn cả lá cây ở vùng nhà máy điện nguyên tử phát nổ ở Chernobyl.
Do polonium-210 tồn tại khắp nơi trong tự nhiên nên hằng ngày cơ thể chúng ta vẫn hấp thu một lượng rất nhỏ chất này. Mỗi năm trung bình mỗi người hấp thu qua đường ăn uống và hô hấp một lượng polonium-210 khoảng 58 Bq (Becquerel - Bq là đơn vị hoạt độ của một lượng vật liệu phóng xạ trong đó một hạt nhân phân rã mỗi giây).
Hằng ngày chúng ta cũng tiếp xúc một lượng phóng xạ nhất định từ vũ trụ, từ đất, từ thức ăn nước uống và từ khí hiếm trong không khí như khí radon, cũng là một sản phẩm từ sự phân rã của uranium.
Mỗi năm, trung bình mỗi người nhận một lượng phóng xạ trong tự nhiên là khoảng 2,1mSv, những người hút thuốc 20 điếu một ngày thì nhận thêm lượng phóng xạ khoảng 8,8 mSv, và riêng phổi thì sẽ tăng thêm khoảng 106 mSv. (Sievert, ký hiệu: Sv, theo Hệ đo lường quốc tế là đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ).
Các bệnh thường gặp khi thường xuyên hút thuốc lá - Đồ họa: TS. Lê Đức Dũng cung cấp
Hút 20 điếu/ngày sẽ phơi nhiễm phóng xạ phổi
Để cho dễ hiểu chúng ta xem các ví dụ sau: Khi cơ thể chúng ta tiếp xúc một lượng phóng xạ với 100 mSv có thể gây tổn hại tới thai nhi, với 500 mSv có thể gây đỏ và bỏng da, 1.000 mSv có thể gây nôn ọe, với 3.000 - 4.000 mSv thì có thể gây tử vong trong vòng 3 đến 6 tuần, tỉ lệ tử vong lên đến 50%, từ 8.000 mSv thì không có cơ hội sống sót.
Ở Đức, liều lượng cho phép của những người làm việc trong môi trường phóng xạ mỗi năm không được quá 20 mSv và một người bình thường không được quá 1mSv (không tính từ phóng xạ tự nhiên).
Lượng polonium-210 chúng ta hấp thu trong tự nhiên thấp đến mức thực tế không có ảnh hưởng đến sức khỏe. Một người hút thuốc tiêu thụ khoảng 20 điếu thuốc mỗi ngày sẽ phơi nhiễm phóng xạ phổi trong vòng một năm bằng với lượng phóng xạ sẽ được tạo ra bởi 250 lần chụp X-quang của phổi.
Người ta đã đo được sự phát tán của polonium-210 trong quá trình hút thuốc lá là khoảng 40% phát tán qua khói thuốc, 20% trong tàn thuốc và 40% trong phần sót lại của điếu thuốc. Như vậy không chỉ người hút mà những người xung quanh cũng có thể hấp thu chất phóng xạ qua đường hô hấp.
Mặc dù lượng chất phóng xạ hấp thu qua từng điếu thuốc là khá nhỏ, tuy nhiên chất phóng xạ này lại nằm lại trong phổi lâu dài, tích lũy dần và gây nguy hiểm. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng polonium-210 không chỉ được tích lũy trong mô phổi mà còn được phát tán trong toàn bộ cơ thể.
Polonium-210 cũng được phát hiện trong máu và nước tiểu của những người hút thuốc. Do vậy tia alpha của polonium-210 không chỉ gây tổn hại cho phổi mà còn có thể gây tổn hại cho các cơ quan khác như tim mạch, gan, các tế bào miễn dịch.
Polonium-210 là gì?
Polonium-210 là một đồng vị của polonium tồn tại trong tự nhiên. Nó được hình thành trong chuỗi phân rã phóng xạ của uranium-238. Polonium-210 có chu kỳ bán rã vật lý là 138 ngày và nó phát ra các hạt hay tia alpha trong quá trình phân rã, tạo ra chì. Tia alpha bị ion hóa cao và là tia phóng xạ nguy hiểm nhất cho các tế bào, đặc biệt là khi nó phóng xạ từ bên trong cơ thể, chỉ cần hấp thu khoảng 0,000012g là có thể gây tử vong.
Polonium-210 chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu chất phóng xạ này được hấp thụ vào cơ thể qua thức ăn, nước uống, bằng cách hít vào hoặc qua da từ qua vết thương hở.
TS. Lê Đức Dũng (Phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư và tế bào gốc - Bệnh viện Đại học Wuerzburg, CHLB Đức)
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56