Trang Chủ Tin tức Cách bảo quản thực phẩm khô ngày Tết

Cách bảo quản thực phẩm khô ngày Tết

11/02/2019 06:34 | dinh dưỡng

Bảo quản trong lọ thủy tinh hoặc gói kín bằng lớp giấy báo hay giấy hút ẩm, sau đó bọc nilon và cột chặt miệng lại.

Theo bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nguyên tắc hàng đầu trong bảo quản thực phẩm khô là đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Tùy từng loại mà cân nhắc có nên bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đá tủ lạnh.

Dù là phơi hay đã sấy, thực phẩm khi để trong tủ lạnh cần bao ngoài bằng lớp giấy báo hoặc giấy hút ẩm, kế đến là bọc kín bằng bao nilon và cột chặt miệng lại. Bằng cách này, sản phẩm vẫn giữ được mùi vị đặc trưng trong vài tháng. 

Cách bảo quản thực phẩm khô ngày Tết

Đối với hải sản khô như mực, cá... sau khi mua về nên phơi lại 2 đến 3 ngày nắng cho thật khô. Bảo quản vào lọ thủy tinh có nắp đậy hoặc gói kín bằng giấy báo, quấn bên ngoài một lớp nilon để ngăn mùi lan sang các loại thực phẩm khác. Sau đó, để lên ngăn đá tủ lạnh giúp giữ được độ dẻo ngon của thực phẩm, nhiệt độ tốt nhất là -18 độ C.

"Không nên đặt dưới ngăn mát vì mức độ bảo quản không được lâu, thực phẩm sẽ bị hút mất hơi ẩm, trở nên cứng, ăn không còn ngon, ngọt. Nên để trong tủ lạnh khoảng 3 đến 4 tuần, sau đó mang ra phơi lại rồi tiếp tục bảo quản như hướng dẫn trên", bác sĩ khuyên.

Các loại thực phẩm khô rất dễ bị nấm mốc nếu không bảo quản kỹ và đúng cách. Trong đó, nguy hiểm nhất là độc tố Aflatoxin trong nấm Aspergillus flavus có thể gây ung thư gan và xơ gan.

Bác sĩ Niên khuyến cáo khi thực phẩm đã có dấu hiệu nấm mốc phải vứt bỏ, không nên tiếp tục sử dụng. Các loại nấm mốc, vi khuẩn này sẽ không chết dù nấu kĩ. Việc cạo hay rửa bằng nước có thể không còn nhìn thấy vết nấm mốc nhưng độc tố đã ngấm sâu vào bên trong thực phẩm. Dù có phơi dưới ánh nắng mặt trời cũng không thể loại bỏ hết, chúng chỉ có tác dụng hút bớt độ ẩm và làm khô thực phẩm.

Cẩm Anh - vnexpress.net