08/07/2019 07:38 | dinh dưỡng
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, cho biết thịt lợn nhiều chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, cơ thể dễ hấp thụ. Thịt bò có lợi cho người cần bổ sung năng lượng, bổ máu, nuôi dưỡng hồng cầu nhờ hàm lượng sắt cao, nhiều vitamin và tốt cho hệ thần kinh nhờ omega.
Trong Đông y, thịt lợn tính hàn, thịt bò tính ôn, chúng không hợp nhau, hạn chế thế mạnh của nhau. Do đó, thịt lợn không nên ăn cùng hoặc chế biến chung với thịt bò.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Chò, nguyên chủ nhiệm bộ môn dinh dưỡng, Viện 103, Học viện quân y, cho biết người cao huyết áp không nên ăn thịt bò vì trong thịt bò chứa nhiều chất béo bão hòa làm bệnh tình nặng hơn. Người mắc bệnh mỡ máu cũng không nên ăn thịt bò vì trong thịt bò nhiều cholesterol làm tăng lượng mỡ trong máu.
Trung bình nhu cầu cơ thể của người Việt Nam cần ăn 1-1,5 g protein một ngày. Do đó khẩu phần ăn có thể điều chỉnh thực phẩm phù hợp, ví dụ ăn nhiều cá, trứng, sữa thì giảm thịt và ngược lại. Không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, tối đa chỉ 100 g mỗi ngày, loại bỏ mỡ khi ăn.
Thịt bò cần ăn chín, hạn chế ăn tái. Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết ăn thịt bò tái có nguy cơ nhiễm các ký sinh trùng như sán dải bò (sán xơ mít), sán lá gan... Các ký sinh trùng này có thể gây bệnh tại hệ tiêu hóa ảnh hưởng đến ruột, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Thịt lợn là món ăn quen thuộc, dễ chế biến song ngoài nguy cơ nhiễm giun sán còn có thể nhiễm chất tăng trọng, chất tạo nạc hay ngâm chất bảo quản. Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, thịt lợn sạch là lợn không được nuôi bằng cám tăng trọng, không tồn dư thuốc và các hóa chất do thức ăn, không có ký sinh trùng và vi trùng, không chất bảo quản. Thịt lợn sạch thường có lớp bì và mỡ dày.
Biện pháp đơn giản để phát hiện là cắt thịt theo thớ dọc và quan sát. Nếu miếng thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim, hoặc thớ thịt có hình sợi hay hình bầu dục to là bị nhiễm giun sán. "Cũng có thể nhận biết bằng cách sờ vào miếng thịt", lương y Sáng cho biết. Miếng thịt lợn cứng, không có sự đàn hồi, không mềm mại... rất có thể đã bị ướp ure hoặc chứa hàn the.
Cách chế biến thịt cũng rất quan trọng. Món ăn được nấu đi nấu lại quá nhiều lần hoặc chế biến ở nhiệt độ quá cao thì sinh ra những chất độc không có lợi cho sức khỏe. Protein từ thịt có thể biến tính, các vitamin bị tổn thương, chất dinh dưỡng không còn có lợi cho sức khỏe người dùng.
Ngoài phần thịt còn có phần bì dồi dào protein và carbohydrate, cung cấp nhiều vitamin, muối khoáng cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều bì lợn, bác sĩ Linh khuyến cáo. Trong bóng bì rất nhiều cholesterol, không tốt với người bị rối loạn lipit, thừa cân béo phì. Ngoài ra bì lợn có hàm lượng protein cao, khó tiêu nên người bệnh gout hoặc suy thận cũng hạn chế ăn.
Hiện nay, nhiều cơ sở dùng hóa chất để tẩy trắng bì lợn, kể cả kali nitrat (KNO3) là chất sử dụng trong phân bón nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây, để bóng bì khi nổ có màu đẹp mắt. Bì lợn càng trắng thì do càng dùng nhiều hóa chất. Các chất hóa học, tẩy rửa công nghiệp chỉ làm trắng bì mà không thể diệt hết vi khuẩn, ấu trùng, mầm bệnh.
Phó giáo sư Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện Dinh dưỡng nhấn mạnh, ăn nhiều thịt ít rau xanh liên quan trực tiếp đến tình trạng béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Do đó, dù là thịt lợn hay thịt bò cũng nên chọn thịt sạch, ăn chín, không ăn tái và điều chỉnh phù hợp với thực đơn cân bằng giữa thịt gia cầm, cá, protein thực vật và thịt đỏ nạc. Chế biến thịt đỏ một cách lành mạnh, hạn chế chiên, nướng, xông khói. Ngoài ra, nên duy trì cân nặng hợp lý và chăm vận động.
Thùy An
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56