13/11/2019 02:50 | sản phụ khoa
Ca phẫu thuật hơn một tiếng đồng hồ vô cùng áp lực bởi anh Nguyễn Doãn Cương, 37 tuổi, từng hai lần thụ tinh nhân tạo thất bại với tinh trùng xin được. Nguyên nhân anh không có tinh trùng bởi biến chứng bệnh quai bị. Anh đi khám điều trị chỉ để gia đình toại nguyện, bản thân không áy náy.
Lần này may mắn bác sĩ Hà đã bắt được tinh trùng của anh Cương. Cùng lúc, bác sĩ Hà cũng tiến hành kích trứng của vợ anh Cương. Trứng sau khi lấy ra được kết hợp với tinh trùng tìm được từ chồng để tạo phôi vào cơ thể chị Thảo, bắt đầu quá trình mang thai.
"Khi biết tin mình có thai, mọi đau đớn suốt quãng thời gian chật vật tìm con rồi và miệt mài điều trị của chúng tôi bỗng tan biến. Tất cả nhường chỗ cho niềm vui vô bờ khi sinh linh nhỏ bé đang lớn lên từng ngày", chị Thảo nói.
Ngày 17/3/2018, chị Thảo chuyển dạ và sinh đôi hai con gái, đặt tên là Ngọc Anh và Hồng Anh. Hai con trở thành niềm vui sống mỗi ngày của vợ chồng. "Đến nay, bé hơn 7 tháng, trộm vía khỏe mạnh, cứng cáp hơn. Tổ ấm hạnh phúc này, tôi chưa bao giờ dám mơ", anh Cương nói về quả ngọt sau 5 năm chờ đợi của mình.
"Đó là niềm vui của cả gia đình, cũng là ca phẫu thuật mà tôi không thể quên", bác sĩ Hà tiếp lời.
Thạc sĩ, bác sĩ Vương Vũ Việt Hà 31 tuổi, hiện là phó trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện. Ngoài theo dõi, hỗ trợ các sản phụ bị vô sinh hiếm muộn, bác sĩ Hà còn điều trị nam khoa và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục nam giới...
Thạc sĩ, bác sĩ Vương Vũ Việt Hà (trái) tư vấn cho người vô sinh, hiếm muộn. Ảnh: Thùy An
Mỗi ngày, bác sĩ Hà thực hiện khoảng 5 ca chọc trứng, 7 ca chuyển phôi, phẫu thuật từ hai đến ba ca, thậm chí có ngày 9 ca. Ngoài ra, anh còn quản lý hơn 40 nhân viên bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên phôi học, hộ lý... nên luôn cảm thấy thiếu thời gian "24 giờ một ngày không đủ để làm việc".
Năm 2012, anh tốt nghiệp trường Học viện Quân y rồi vào TP HCM làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chuyên ngành phẫu thuật. Một lần, anh tình cờ biết Bệnh viện Bưu điện triển khai trung tâm hỗ trợ sinh sản. Ngoài thời gian làm việc, anh tự tìm thêm nhiều tài liệu về các phương pháp thụ tinh ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo... để đọc. "Càng đọc càng say mê", anh quyết định ra Bắc để thử sức ở chuyên ngành mới.
"Đã đầu tư rất kỹ cho chuyên ngành phẫu thuật, kể cả thời gian và công sức thế nhưng hỗ trợ sinh sản lại thu hút tôi mạnh mẽ, nhất là hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy tinh trùng hay được nghe được tiếng tim thai", bác sĩ Hà nói.
Thời gian đầu, kiến thức về phẫu thuật chưa thể áp dụng, anh gần như học lại từ đầu. Mỗi một quy trình, bác sĩ Hà phải dành nhiều thời gian tìm hiểu sâu. Ba tháng sau, anh quay lại TP HCM và tiếp tục nghiên cứu về hỗ trợ sinh sản tại khoa Y của trường Đại học Quốc gia, nâng cao tay nghề.
Tháng 12/2014, anh trở lại Bệnh viện Bưu điện để đồng hành với các cặp vợ chồng trên hành trình đi "tìm con".
Bác sĩ Hà (trái) và đồng nghiệp đang tiến hành chuyển phôi vào tử cung cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Hà cho biết, năm 2014 là năm đáng nhớ bởi đây là năm đầu tiên anh thử sức mình với mảng hỗ trợ sinh sản. Sản phụ đầu tiên anh thăm khám, điều trị đã ngoài 30 tuổi. Sau 14 ngày theo dõi, bệnh nhân thử que lên hai vạch đã vội vàng chụp ảnh gửi cho bác sĩ. Quá xúc động, anh đã chia sẻ cảm xúc trên mạng xã hội, nói "Cuối cùng đã hai vạch rồi".
Ngay lập tức, anh nhận được lời chúc mừng từ bạn bè "được làm bố rồi, chúc mừng nhé", "chúc mừng hai vợ chồng"... vì nhầm tưởng anh là bố bé. "Có những bạn bè còn gọi điện cho để xác thực vì không biết mình đã chuyển sang ngành vô sinh, hiếm muộn", bác sĩ kể lại.
Đây cũng là năm đầu tiên bệnh viện tiến hành ca đông trứng cho bệnh nhân mắc bệnh buồng trứng đa nang, không thể có con lại sau ba năm. Ban đầu, bác sĩ dự định phẫu thuật, trích tinh trùng từ tinh hoàn do người chồng không thể tự lấy. "Nhưng, phẫu thuật tinh hoàn để lại khá nhiều hệ luỵ như sẹo, đau tinh hoàn và tỷ lệ thấp có thể không có tinh trùng nữa", bác sĩ Hà nói.
Đắn đo mãi, anh quyết định triển khai phương pháp đông trứng, khi đó vẫn là thử thách của bệnh viện. Theo bác sĩ, đây là ca đông trứng đầu tiên và thành công. Ba ngày sau, người chồng lấy được tinh trùng và được sử dụng với trứng đông lạnh để tạo phôi để tháng sau phôi được chuyển cho người vợ.
Với mỗi em bé chào đời, bác sĩ Hà có thêm động lực để gắn bó với công việc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hơn 5 năm trong nghề, bác sĩ Hà không nhớ hết đã giúp bao nhiêu cặp vợ chồng mang thai và sinh con thành công. Song, có nhiều ca vẫn đang tiếp tục theo dõi, điều trị. Điển hình là trường hợp hai vợ chồng trẻ, cưới nhau 4 năm nhưng chưa có con. Theo bác sĩ, người vợ có hai vòi trứng thông, tử cung bình thường còn tinh trùng chồng trong ngưỡng ổn định nên được chỉ định là IVF. Tuy nhiên, sau hai lần bơm tinh trùng, ba lần chọc trứng, năm lần chuyển phôi, hai vợ chồng vẫn chưa mang thai. Hiện tại, bác sĩ chưa tìm ra được nguyên nhân nhưng gia đình vẫn kiên trì điều trị.
"Trường hợp này, tôi sẽ phân tích về phần trăm thành công nếu tiếp tục chứ không bao giờ từ chối bởi từ chối là dập tắt hy vọng về gia đình trọn vẹn. Tôi tin, thành công sẽ đến với những người không bỏ cuộc".
Hiện, điều trị vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều phương pháp tiên tiến như thụ tinh nhân tạo (IUI) bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Các trường hợp vô tinh do tắc nghẽn sẽ tiến hành PESA, chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da; còn vô sinh không do tắc nghẽn sẽ tiến hành TESE hoặc Micro TESE. Trong đó, Micro TESE là phương pháp khó, được chỉ định trong trường hợp suy tinh hoàn với kích thước tinh hoàn teo nhỏ. Ưu điểm của phương pháp này là dùng kính hiển vi phóng đại lên rất to, sẽ tìm được tinh trùng dễ dàng hơn.
"Chẳng ai muốn xem bệnh viện là nhà nhưng ở đây, chúng tôi hỗ trợ họ hiện thực ước mơ về một gia đình trọn vẹn. Quả là công việc đáng để gắn bó trọn đời", bác sĩ nói.
Thùy An
20/05/2021 07:31
18/05/2021 09:06
29/03/2021 10:12
23/03/2021 06:20
19/03/2021 02:54
06/06/2018 10:14
13/11/2018 07:30
07/06/2018 03:46
03/07/2018 06:20
07/06/2018 04:56