Trang Chủ Tin tức Anh, Úc in thông điệp cảnh báo trên mỗi điếu thuốc?

Anh, Úc in thông điệp cảnh báo trên mỗi điếu thuốc?

03/10/2019 04:27 | cảnh báo

Hình ảnh của phổi đen, răng hỏng và ung thư miệng trên bao bì đã mất giá trị gây sốc. Thông điệp cảnh báo in trên từng điếu thuốc được tin là sẽ có tác dụng ngăn chặn việc hút thuốc hơn.

Ảnh: EPA

Các nhà nghiên cứu từ Đại học James Cook (Queensland, Úc) nói hình ảnh trên bao bì không còn khiến người dân ‘sợ’, do vậy chính phủ các nước cần phải mạnh tay hơn: nên in thông điệp cảnh báo lên mỗi điếu thuốc lá để ngăn người dân bớt hút thuốc.

"Thay đổi chất lượng và khối lượng thông tin rất quan trọng trong việc đảm bảo rằng những người trẻ tuổi – đối tượng khách hàng mục tiêu của các công ty thuốc lá, nhận thức được sự nguy hiểm và giảm tình trạng hút thuốc lá", Aaron Drovandi, trưởng nhóm nghiên cứu nói.

Nhóm nghiên cứu đã lấy ý kiến từ hơn 2.000 người về hiệu quả của các cảnh báo chống hút thuốc và nhận thấy các thông điệp in trên mỗi điếu gây chú ý hơn hình ảnh ngoài gói thuốc. Đáng chú ý nhất là thông điệp về tài chính và tác động sức khỏe đến nhanh.

Deborah Arnott, giám đốc điều hành của ASH (nhóm Hành động vì Hút thuốc và Sức khỏe) cho biết, cảnh báo này không chỉ là ở Úc, Canada, Scotland, Mỹ mà nên được thực hiện ở nhiều nước.

Phương pháp này cũng sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi các vụ sản xuất, buôn bán thuốc lá lậu, vấn đề được coi là cấp bách không chỉ của những quốc gia thuộc thịnh vượng chung.

Một phương án khác cũng đang được chính phủ Úc xem xét là bắt buộc các hãng thuốc phải thay đổi ảnh cảnh báo mỗi năm để tăng tác động cảnh báo người dùng.

Bên trong các gói thuốc cũng cần có thêm hướng dẫn cách bỏ thuốc. Đơn vị sản xuất thuốc sẽ phải chịu trách nhiệm hỗ trợ kinh phí giúp người hút bỏ thuốc.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết kế hoạch này sẽ được triển khai tại Anh trùng với chương trình ngăn chặn các vụ buôn lậu chợ đen trong thời gian tới.

Tỷ lệ hút thuốc tại quốc gia này đã giảm một nửa trong 35 năm qua, thuốc thấp thứ hai ở châu Âu sau Thụy Điển. Kể từ năm 1965 đến nay, Anh cấm quảng cáo trên truyền hình có hình ảnh thuốc lá, cấm các công ty sản xuất thuốc lá tham gia tài trợ thể thao, cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng và tăng vọt mức thuế sản xuất và buôn bán thuốc lá.

Năm 2011, 19,8% người trưởng thành ở Anh hút thuốc, nhưng đến năm 2017 chỉ còn 14,9%. Mục tiêu 12% vào năm 2022 và trở thành một quốc gia không khói thuốc vào năm 2030.

Thuốc lá là sản phẩm làm từ sợi lá cây thuốc lá, cuốn trong giấy, một đầu chứa lá thuốc, phần còn lại đầu lọc. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định thuốc lá là một trong những sản phẩm gây hại nhất cho sức khỏe con người. Hút thuốc kéo theo một loạt bệnh tật: ung thư phổi, vòm họng, ảnh hưởng thần kinh, gián tiếp gây bệnh tim mạch...

Các cảnh báo, thông điệp về tác hại của việc hút thuốc thụ động và không thụ động được đưa ra từ giữa thế kỷ 20 nhưng cho đến nay, đây vẫn là một cuộc chiến trên toàn thế giới.

MINH HẢI (Theo The Sun)