Trang Chủ Tin tức Ăn "thực dưỡng" có chữa được ung thư?

Ăn "thực dưỡng" có chữa được ung thư?

28/11/2019 04:48 | ung thư dinh dưỡng

Chế độ ăn thực dưỡng có thể khiến người bệnh ung thư thiếu hụt dinh dưỡng, sút cân, mệt mỏi, giảm chức năng miễn dịch, ảnh hưởng điều trị bệnh.

Dược sĩ dinh dưỡng Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM, cho biết thực dưỡng phổ biến vào thập niên 60 bởi triết gia người Nhật Bản, George Ohsawa. Đây được xem là phương pháp dưỡng sinh chủ yếu bằng ăn uống. 

Nguyên tắc chính của chế độ ăn uống thực dưỡng là giảm sản phẩm từ động vật, ăn thực phẩm được trồng tại địa phương đang trong mùa và tiêu thụ bữa ăn trong chừng mực. Chế độ ăn thực dưỡng là phải ăn toàn phần, nghĩa là thực phẩm trải qua ít công đoạn chế biến nhất. Ví dụ, ngũ cốc nguyên cám, rau củ sạch nguyên vỏ, đậu hạt, đường đen, động vật (ăn cả con và cả xương)...  

Phác đồ thực dưỡng của Ohsawa bao gồm 10 giai đoạn hạn chế dần dần, đến giai đoạn cuối cùng thì chỉ còn ăn gạo lứt muối mè và uống nước. Theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa, khi chúng ta sống hòa hợp với môi trường thiên nhiên thì tự động được hạnh phúc, khỏe mạnh.

Gạo lứt là thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn thực dưỡng. Ảnh: The Ardente

Những thành phần thực phẩm trong thực dưỡng như ngũ cốc nguyên cám và rau củ về cơ bản là tốt cho sức khỏe. Một số người cho rằng chế độ ăn uống đặc biệt như thực dưỡng có thể tự chữa hoặc kiểm soát ung thư. Tuy nhiên, hiện chưa có một bằng chứng lâm sàng nào chứng minh chế độ ăn thực dưỡng là hữu ích cho những người mắc bệnh ung thư hoặc một số các bệnh khác. Không có thực phẩm đặc biệt, chế độ ăn kiêng hoặc bổ sung vitamin và khoáng chất nào được chứng minh để làm điều này.

Chế độ ăn thực dưỡng có thể dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng do hạn chế ăn sản phẩm từ động vật, dẫn đến suy nhược cơ thể cho người áp dụng. Mức nguy hiểm nghiêm trọng hơn đối với những người mắc bệnh ung thư, cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và tăng mức calo.

"Tự ý dựa vào thực dưỡng để điều trị bệnh, xem nó như là phương pháp duy nhất và né tránh những khuyến cáo từ bác sĩ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho bệnh nhân ung thư", dược sĩ Phụng nói.

Chế độ ăn uống thô của thực dưỡng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư. Chế độ ăn quá ít calo khiến bệnh nhân có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nặng hơn. Từ đó, giảm chức năng miễn dịch của người bệnh.

Hiệp hội Ung thư Mỹ và Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh đều khuyên không nên áp dụng chế độ ăn này cho người bệnh nan y, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú vì chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai nhi.

Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết tình trạng dinh dưỡng kém và giảm cân có thể gây ra sự chậm trễ trong kế hoạch điều trị cho người bệnh ung thư. Bệnh nhân càng tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng tỷ lệ biến chứng, giảm chất lượng sống và tử vong sớm hơn.

Khi người bệnh muốn áp dụng một chế độ ăn nào, phải đảm bảo rằng đây là chế độ ăn lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Tốt nhất nên phối hợp thực dưỡng và một phần chế độ ăn uống lành mạnh như bổ sung rau, trái cây, đậu, các loại ngũ cốc, chất béo thực vật lành mạnh, protein nạc, sữa ít béo. Dinh dưỡng tốt trong quá trình điều trị ung thư có thể giúp bệnh nhân duy trì sức mạnh và tăng tốc độ phục hồi.

Do tác dụng phụ của thuốc điều trị, bệnh nhân cần phải điều chỉnh lựa chọn những thực phẩm có cảm giác ngon miệng hơn. Ví dụ, nếu bệnh nhân gặp khó khăn khi nhai hoặc nuốt, hãy ăn thức ăn mềm. Nếu bệnh nhân cảm thấy no nhanh hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa, có thể cần tránh các thực phẩm nhiều chất xơ hoặc cay.

Dược sĩ Phụng khuyên người bệnh muốn áp dụng chế độ ăn thực dưỡng trong điều trị ung thư cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hoặc người có kinh nghiệm trong việc chăm sóc ung thư.

Cẩm Anh