Trang Chủ Tin tức 3 sản phụ tai biến sau gây tê, sao chưa dừng thuốc?

3 sản phụ tai biến sau gây tê, sao chưa dừng thuốc?

26/11/2019 02:09 | sản phụ khoa cảnh báo

Liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy được sử dụng trong 3 vụ, 3 sản phụ bị tai biến, nhiều địa phương đã đề nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ngừng sử dụng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đến thăm một sản phụ gặp sự cố y khoa nằm điều trị tại BV Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhà cung cấp loại thuốc này cũng từng đưa ra yêu cầu thay thế thuốc nhưng thuốc này vẫn được dùng trên thị trường. Tại sao?

Công ty cung cấp cũng từng... lo ngại

Loại thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy do Ba Lan sản xuất được Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC1 (gọi tắt CPC1) cung cấp đã trúng thầu sử dụng cho việc gây tê tại nhiều bệnh viện ở nhiều địa phương trên cả nước. Vào đầu năm nay CPC1 trúng thầu cung cấp loại thuốc gây tê này tại địa bàn Cần Thơ.

Nhưng sau đó, cũng chính công ty này có công văn đề nghị Sở Y tế Cần Thơ thay thế loại thuốc thầu (Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy) bằng một loại thuốc do Pháp sản xuất tương tự.

Trước đề nghị trên, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, vào tháng 4-2019 Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn chấp nhận cho đơn vị này được thay thế loại thuốc trên với loại thuốc có giá bằng với giá bỏ thầu để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Trớ trêu thay, điều này hoàn toàn ngược lại với vụ tai biến sản khoa xảy ra ở Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng. Năm 2019, loại thuốc trúng thầu ở Đà Nẵng là loại thuốc tê do Pháp sản xuất.

Tuy nhiên đến tháng 5-2019, nguồn hàng bị đứt nên nhiều đơn vị buộc phải dùng loại thuốc thay thế Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy của Ba Lan sản xuất từ CPC1 cung cấp.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chỉ riêng tại miền Trung đã có rất nhiều cơ sở y tế sử dụng loại thuốc gây tê Ba Lan do CPC1 cung cấp. Tính từ đầu năm đến ngày 20-11, chi nhánh Đà Nẵng của công ty này đã xuất kho 73 đợt nhập - xuất hàng đến hơn 10 bệnh viện công và tư từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng.

Trong đó lô thuốc có ký hiệu 01 DB0619 (xảy ra tai biến ở Đà Nẵng) cũng được xuất chung tới nhiều bệnh viện. Trước sự cố tai biến y khoa này, ngành y tế Đà Nẵng đã lập tức thông báo đến các đơn vị y tế địa phương ngừng sử dụng loại thuốc gây tê trên.

Lo ngại sẽ xảy ra tai biến tương tự nên cùng lúc, ngành y tế Quảng Nam và Quảng Ngãi đã có công văn thông báo dừng sử dụng loại thuốc gây tê này.

Chưa đủ cơ sở để dừng?

Từng xuất hiện nhiều ca tai biến ở miền Nam khi sử dụng loại thuốc gây tê này nhưng Bộ Y tế lại chưa có hành động cảnh báo? Trả lời câu hỏi này,

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói, đối với một loại thuốc xảy ra phản ứng có hại thông thường có 4 trường hợp: đó có thể là phản ứng dị ứng, nặng hơn là phòng vệ; thứ hai là ngộ độc thuốc; thứ ba là thuốc không an toàn; thứ tư là cách sử dụng thuốc không đúng quy trình kỹ thuật.

Theo ông Sơn, loại thuốc gây tê này vẫn được sử dụng phổ biến, thậm chí nhiều bệnh viện tại TP.HCM vẫn đang dùng. "Đến bây giờ mà quy kết cho một yếu tố nào trong đó, phải phân tích trên hồ sơ bệnh án của hội đồng chuyên môn với các chuyên gia đầu ngành trong cả nước" - ông Sơn cho biết thêm.

Riêng đối với sự cố y khoa nghiêm trọng có tính chất tương tự xảy ra với các sản phụ ở Đà Nẵng, ông Sơn cho rằng cần phân tích rất nhiều yếu tố. Trong đó, có liên quan đến các thuốc đã sử dụng, các quy trình kỹ thuật đã được sử dụng, kỹ thuật thủ thuật và cả những phản ứng sau tai biến xảy ra. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận rõ ràng, chỉ mới nghi thuốc gây tê.

"Cần phân tích thêm về độ an toàn, liệu có độc chất trong đó không, có nhiễm trùng hay do có tạp chất? Đã niêm phong 120 lọ còn lại, chúng tôi chỉ đạo sẽ làm khẩn trương các xét nghiệm cần thiết để phục vụ cho hội đồng chuyên môn đánh giá về nguyên nhân tử vong"- ông Sơn nói.

Để làm rõ quy trình sử dụng thuốc, một số chuyên gia đầu ngành từ TP.HCM cũng được Bộ Y tế cử đến Đà Nẵng để tìm hiểu thêm vụ việc.

Có thể thay thế, chưa khuyến cáo ngưng dùng

Mới đây Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi đến sở y tế các địa phương cùng các bệnh viện trực thuộc bộ, các cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu thuốc.

Cục Quản lý dược cũng cung cấp thông tin danh sách 181 cơ sở y tế, nhà thầu, thuốc tiêm chứa bupivacaine trúng thầu năm 2018 - 2019 và thông tin về 18 cơ sở sản xuất thuốc chứa bupivacaine đang được lưu hành tại Việt Nam để cơ sở y tế liên hệ, thực hiện mua thuốc kịp thời đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân.

Các cơ sở có thể mua thuốc thay thế loại trúng thầu.

Riêng việc khuyến cáo tạm dừng, Thứ trưởng Sơn cho biết bộ chưa có khuyến cáo dừng loại thuốc gây tê do Ba Lan sản xuất do chưa có kết quả phân tích cụ thể và việc này ảnh hưởng lớn đến công tác mua sắm.

Một sản phụ bị tai biến sau gây tê qua cơn nguy kịch

Theo thông tin từ người nhà sản phụ N.T.H. (34 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), sau thời gian được Bệnh viện Đà Nẵng tích cực cứu chữa, hiện tình hình sức khỏe của chị H. đã qua cơn nguy kịch, có thể nói chuyện.

TRƯỜNG TRUNG