Trang Chủ Tin tức 10 năm nhiễm HIV vẫn cưới vợ sinh con khỏe mạnh

10 năm nhiễm HIV vẫn cưới vợ sinh con khỏe mạnh

24/10/2019 03:05 | bệnh xã hội

Vũ, 32 tuổi, nhiễm HIV từ năm 16 tuổi, được điều trị ARV nên tải lượng virus thấp dưới ngưỡng phát hiện, có vợ và sinh con bình thường.

Vũ nhiễm HIV ở độ tuổi mới lớn là hậu quả của những lần quan hệ tình dục bừa bãi. Chán nản, bế tắc, Vũ tiếp tục bất cần, lao vào ma túy. Khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, Vũ được gia đình kéo lại, làm cho bừng tỉnh. Vũ quyết định làm lại cuộc đời.

Anh tiếp cận và tuân thủ điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) trong hơn 10 năm qua. Nhờ đó, tải lượng virus HIV của anh đã ở dưới mức phát hiện được, tức là Vũ không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục. Vũ sau đó đã lấy vợ và có con bình thường.

"Tôi không ngại nói về quá khứ, quan trọng là hiện tại và tương lai như thế nào. Tôi hiện sống khỏe mạnh và hạnh phúc bên vợ con", Vũ nói.

Anh Luyến 35 tuổi, đang điều trị ARV ngoại trú tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. Anh cho biết, sau một vài lần có quan hệ không an toàn, thì phát hiện nhiễm HIV vào cuối 2015. Hoang mang, anh không dám nói với vợ con. Sau vài lần kiểm tra lại cho chắc chắn, anh mới thú nhận với vợ.

"May mắn là kết quả xét nghiệm H của vợ con đến giờ vẫn âm tính", anh Luyến nói.

Được các bác sĩ tư vấn, anh Luyến dần lấy lại tự tin trong cuộc sống, tham gia điều trị thuốc ARV. Sau một năm điều trị, tải lượng virus trong máu của anh đạt ngưỡng không phát hiện. "Hiện, sức khỏe của tôi vẫn tốt, sinh hoạt, lao động và chuyện tình dục trở lại bình thường", anh Luyến nói.

Bệnh nhân nhiễm HIV làm thủ tục nhận thuốc ARV tại Hải Phòng. Ảnh: Giang Chinh

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết người uống thuốc kháng virus (ARV) hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc sẽ duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình.

Tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu được xác định là ngưỡng không phát hiện. Bằng chứng khoa học này được gọi là Không phát hiện = Không lây truyền (K=K).

"Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ", ông Long nói.

Trên thế giới, hiện có 895 tổ chức từ 98 quốc gia trên thế giới chia sẻ thông điệp K=K. Thông điệp này đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ khác nhau.

Tại Việt Nam, K=K bắt đầu được triển khai từ cuối năm 2017. Hiện, cả nước có hơn 200.000 người nhiễm còn sống, trong đó gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV và có thể sử dụng K=K mở rộng độ bao phủ điều trị.

Bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới.

Theo ông Long, mục tiêu của Chiến dịch K=K là nâng cao nhận thức của cộng đồng. Ông tin tưởng Việt Nam đạt được mục tiêu 90-90-95, tức 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV và 95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền.

"Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch HIV với chiến dịch K=K", ông Long nhấn mạnh.

Lê Nga