Trang Chủ Tin tức Người bệnh ung thư sẽ thoát cảnh xạ trị buổi đêm ở Bệnh viện K

Người bệnh ung thư sẽ thoát cảnh xạ trị buổi đêm ở Bệnh viện K

08/07/2019 07:47 | ung thư

Bệnh viện K Hà Nội vừa lắp đặt 3 máy xạ trị và một máy xạ phẫu, giải quyết tình trạng người bệnh phải xạ trị vào ban đêm.

Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết trước đây viện chỉ có 6 máy xạ trị, dùng cho trên 300.000 lượt bệnh nhân mỗi năm. Các máy được dùng gần như cả ngày, bệnh nhân phải chạy xạ trị cả vào ban đêm.

"Các máy mới lắp đặt này đang trong quá trình chạy thử, dự kiến sử dụng chính thức từ tháng 8. Khi đó sẽ giải quyết cơ bản tình trạng người bệnh phải thức đêm để xạ trị", giáo sư Thuấn nói tại hội nghị sơ kết Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu, Dự án Norred của Bệnh viện K, ngày 6/7.

Hiện Bệnh viện K có 17 bệnh viện vệ tinh, 11 bệnh viện tham gia dự án Norred, chỉ đạo tuyến cho 30 bệnh viện. Bệnh viện K đã đào tạo gần 3.000 lượt học viên, chuyển giao gần 300 lượt kỹ thuật cho các bệnh viện. Hệ thống bệnh viện vệ tinh này giải quyết tại chỗ những bệnh nhân phẫu thuật ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư cổ tử cung hay xạ trị ung thư vú, cổ tử cung, ung thư buồng trứng... Nhờ vậy bệnh nhân không phải chuyển tuyến đến bệnh viện K, giảm rõ rệt tình trạng quá tải tại viện điều trị ung thư đầu ngành.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ - vệ tinh của Bệnh viện K - tỷ lệ chuyển tuyến từ hơn 70% nay còn dưới 1%. Khi cần thiết, các bác sĩ Bệnh viện K hội chẩn từ xa cho đồng nghiệp bệnh viện vệ tinh để chẩn đoán ung thư, đặc biệt là mô bệnh học, hỗ trợ đào tạo bác sĩ tuyến dưới.

"Trước đây, bệnh viện K quá tải trầm trọng nhưng giờ đã giải tỏa được nhiều, người dân đi khám bệnh hài lòng hơn, chất lượng tốt hơn", ông Thuấn nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, tại Việt Nam mỗi năm có hơn 164.000 ca mới mắc mới, gần 115.000 trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước. Ung bướu là một trong 5 chuyên khoa được lựa chọn đầu tiên trong Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế giai đoạn 2013-2020.

Những năm 2000, cả nước chỉ có 3 bệnh viện chuyên ngành, 14 khoa ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu. Nay, cả nước có 8 bệnh viện chuyên ngành với các trang thiết bị y tế hiện đại, trình độ chuyên môn ngang tầm khu vực và thế giới, 69 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân. Nhờ vậy, ngành y tế Việt Nam không chỉ giúp bệnh nhân tránh việc ra nước ngoài chữa trị tốn kém, mà còn thu hút bệnh nhân nước ngoài đến khám và điều trị. 

"Rất nhiều ca bệnh nặng, khó ở Việt Nam đã được điều trị thành công. Không ít bệnh nhân ung thư khi ra nước ngoài, kể cả nước tiên tiến điều trị cũng được khuyên quay về Việt Nam chữa", Thứ trưởng Tiến nói. 

Lê Nga