Trang Chủ Tin tức Kỹ năng ứng cứu nạn nhân tai nạn giao thông ngay tại hiện trường

Kỹ năng ứng cứu nạn nhân tai nạn giao thông ngay tại hiện trường

23/01/2019 01:56 | cấp cứu

Đánh giá nhanh chóng tình huống, xử lý mối đe dọa đến tính mạng, sau đó gọi 115 thông báo sơ bộ tình hình.

Ở hầu hết các nước châu Âu, sơ cứu là một kỹ năng bắt buộc khi kiểm tra lái xe. Theo Firstaidforlife, các chuyên gia cho biết người di chuyển bằng xe đạp dễ gặp nguy hiểm nhất khi tham gia giao thông.

Nếu bạn đang di chuyển trên đường, lưu ý không bao giờ vượt qua các xe tải, xe buýt và xe lớn khác ở bên trong, không bao giờ đi sát chúng hoặc đi song song. Khu vực điểm mù nguy hiểm xung quanh loại xe này, tài xế ngồi trên cabin không thể quan sát nên rất dễ gây tai nạn.

Khi bạn là người đầu tiên chứng kiến một tai nạn, hãy đảm bảo rằng bản thân phải được an toàn khi tiếp cận hiện trường. Quan sát xung quanh để chắc chắn giao thông đã dừng lại và mọi người được cảnh báo có tai nạn để tránh thương vong thêm. Nếu có nhiên liệu bị đổ hoặc các nguy cơ cháy khác, hãy tắt có nguồn gây lửa. Luôn bật đèn báo nguy hiểm cho xe và sử dụng dụng cụ hình tam giác cảnh báo nếu có sẵn. 

Trước tiên, hãy đánh giá tình huống và xử lý mọi mối đe dọa đến tính mạng trước, sau đó gọi xe cứu thương 115. Khi tiếp cận được người bị nạn, đầu tiên hỏi tên họ là gì. Nếu người bị nạn trả lời được thì họ còn tỉnh táo. Trường hợp nạn nhân không có phản ứng gì, cấu véo nhẹ lên người họ xem có đáp ứng không. Cấu véo không đáp ứng cho thấy nạn nhân đang hôn mê, có thể đang trong tình trạng nguy kịch. Nếu nạn nhân không thở, cần phải hồi sức cho họ. Hỏi các dịch vụ khẩn cấp qua điện thoại để được hướng dẫn chi tiết. 

Kỹ năng ứng cứu nạn nhân tai nạn giao thông ngay tại hiện trường

Nếu người bị nạn mắc kẹt trong ôtô, họ rất dễ bị gãy xương, chấn thương cột sống, đặc biệt là cột sống cổ. Trong trường hợp này, không nên di chuyển mà để nạn nhân bất động, vì nếu di chuyển, tổn thương của họ trở nên trầm trọng hơn, dễ gây sốc, nguy hiểm đến tính mạng.

Khi có tình huống nguy hiểm tại hiện trường (ví dụ nguy cơ chập điện, cháy nổ...), bắt buộc phải di chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường. Trong khi di chuyển nạn nhân cố gắng tránh các động tác làm xoắn vặn, gập cổ, gập người. Tốt nhất là có nhiều người hỗ trợ để giữ thẳng lưng, cổ và chân nạn nhân trong quá trình di chuyển.

Nếu nạn nhân gãy xương chi gây biến dạng gập góc, cố gắng giữ nguyên tư thế biến dạng khi di chuyển.

Khi di chuyển nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, trong điều kiện nào đó (nền đất, bãi cỏ...) nên kéo hơn là bế. Cách tốt nhất để kéo nạn nhân là túm lấy cổ áo hoặc ống quần.

Cầm máu vết thương

Chảy máu là nguyên nhân chính gây tình trạng sốc, do đó bằng mọi cách phải cầm máu cho nạn nhân. Dùng miếng vải sạch gập thành nhiều lớp, đặt lên miệng vết thương. Nếu nạn nhân tỉnh, bảo họ dùng tay tự ép chặt vào miếng vải đó và bạn có thời gian sơ cứu cho những nạn nhân khác nặng hơn.

Kỹ năng ứng cứu nạn nhân tai nạn giao thông ngay tại hiện trường_2

Khi miếng vải thấm nhiều máu, không nên bỏ ra để thay thế miếng vải khác mà đệm thêm lớp vải và quấn thêm nhiều vòng băng. Trong mọi trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân, tốt nhất nên có sự cách ly bằng cách đeo găng tay cao su, túi nilon hoặc các vật liệu không thấm nước khác.

Với nạn nhân bị sốc, hãy đặt họ nằm xuống, nới lỏng quần áo, nâng cao hai chân lên quá đầu trong trường hợp không ảnh hưởng đến cột sống và vết thương. Nếu trời lạnh, ủ ấm bằng cách đắp chăn hay áo khoác lên người nạn nhân. Động viên, trấn an người gặp nạn cũng đóng vai trò rất quan trọng, giúp nạn nhân đỡ lo âu, không hoảng loạn.

Bác sĩ Dương Đình Toàn, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, khuyến cáo không vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu bằng xe máy, xe đạp hay cõng trên lưng. Đặc biệt, không cố lấy những vật nhọn đã găm sâu vào cơ thể nạn nhân, đặc biệt là bụng, ngực, đầu. Các động tác hỗ trợ sơ cứu phải hết sức thận trọng để ngăn ngừa những tổn thương thứ phát, khiến cho tình trạng nạn nhân nặng hơn.

Thúy Quỳnh - vnexpress.net